Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột, trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Tổ chức  Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 24/3 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống lao. Tại Việt Nam, chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.  Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cung cấp một số điều cần biết về căn bệnh này để cộng đồng có thể hiểu hơn về bệnh lao và góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh này.
 
Hình ảnh minh hoạ

Triệu chứng bệnh lao phổi
Người bị mắc bệnh lao phổi thường có những triệu chứng điển hình gồm:

– Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)
– Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở
– Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
– Đổ mồ hôi trộm về đêm
– Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều
– Chán ăn, gầy sút

Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người có nguy cơ mắc bệnh lao phổi
– Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư…
– Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em.
– Người mắc các bệnh mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn…
– Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá.
– Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…

Đường lây truyền bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi hoặc chất thải có chứa vi khuẩn lao như: đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi… hay dùng chung đồ với người bệnh lao như khăn mặt, chậu, bát đũa… Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh hoặc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao.

Cách phòng ngừa bệnh lao phổi
Để phòng nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ra cộng đồng cần thực hiện:

Với người chưa bị bệnh:
– Tiêm phòng bệnh lao: Tiêm vắc xin BCG (vắc xin phòng bệnh lao) cho trẻ ngay tháng đầu sau khi sinh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
– Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

Với người bệnh lao phổi 
Người bệnh phải đeo khẩu trang. Khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định. Đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được xử lý đúng phương pháp. Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh vì vi khuẩn sẽ bị chết dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vi khuẩn sẽ tồn tại rất lâu.

Phương pháp điều trị bệnh lao
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn, vì vậy người mắc bệnh lao không cần quá lo lắng về bệnh. Người mắc bệnh lao sẽ được điều trị thuốc chống lao từ 6 đến 12 tháng, chia thành 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn tấn công: Kéo dài 2 tháng;
+ Giai đoạn duy trì: Kéo dài 4 tháng đến 10 tháng.

Người bệnh cần chú ý dùng thuốc điều trị bệnh lao đều đặn, uống 1 lần vào buổi sáng sau ăn 2 giờ. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng trong quá trình điều trị lao.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), năm 2017, thế giới có 22 trường hợp mắc bệnh bại liệt. Cho đến 5 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bại liệt được ghi nhận đã giảm xuống còn 8 trường hợp (7 trường hợp ở Afghanistan và 1 trường hợp ở Pakistan). Trong khi đó, xu thế giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng, nguy cơ lây truyền virus gây bệnh bại liệt vào Việt Nam vẫn còn là vấn đề hiện hữu. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ, quyết liệt phòng bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Bệnh bại liệt là gì?

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Bại liệt là bênh truyền nhiễm cấp tính do virus Polio( bại liệt) gây ra. Virus bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.

Virus Polio từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây bệnh lây nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào đường tiêu hóa, có thể lan truyền thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp. Những trường hợp không có miễn dịch, virus có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Những người này tiếp tục gây bệnh cho những người xung quanh.

Các loại vắc xin phòng bệnh bại liệt

Vắc xin bại liệt là thành quả của toàn nhân loại, đã được đưa vào sử dụng trên thế giới lần đầu tiên vào năm 1952. 10 năm sau đó, vắc xin bại liệt đường uống Sabin (OPV) được sản xuất thành công tại Việt Nam. Sự có mặt của vắc xin đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh bại liệt lên tới 99,9% trên cả 3 chủng virus.

Sau khi vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng hiệu quả, bệnh bại liệt đã được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Số lượng các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99%: từ 350.000 trường hợp vào năm 1988 xuống còn 33 trường hợp vào năm 2018.

Tuy vậy, để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai công tác tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc xin đơn, thì các vắc xin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bại liệt giúp trẻ phòng bại liệt hiệu quả song song với việc tạo miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Hiện nay, có 3 loại vắc xin phòng bệnh bại liệt:

Vắc xin bại liệt đường uống OPV

Vắc xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV) chứa virus bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho virus xâm nhập vào cơ thể. Vắc xin bại liệt dạng uống này nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và trẻ được uống khi 2,3, và 4 tháng tuổi.

Vắc xin bại liệt đường tiêm IPV

Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) chứa virus bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Tiêm vắc xin IPV đã được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc từ năm 2018.

Vắc xin phòng bệnh bại liệt phối hợp

Tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm:

  • Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp) ngừa được 6 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra.
  • Vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
  • Vắc xin Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Vì sao cần tiêm phòng vắc xin bại liệt?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị tê liệt, 5% – 10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Ở Mỹ, vào cuối những năm 1940, dịch bệnh bại liệt đã làm tê liệt trung bình hơn 35.000 người mỗi năm.

Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắc xin, bại liệt trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, gây ra các vụ dịch lớn vào năm 1957-1959 với tỷ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân.

Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Trên thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt cũng đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra (theo WHO).

Vắc xin bại liệt nên tiêm hay uống?

Chương trình TCMR ở Việt Nam được Nhà nước tài trợ (miễn phí) đang triển khai 2 loại vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin Sabin qua đường uống có tên chung là vắc xin bại liệt uống OPV và vắc xin dạng tiêm có tên chung là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV. Bên cạnh đó, vắc xin bại liệt cũng có trong thành phần của những mũi tiêm phối hợp (vắc xin 6in1 Infanrix Hexa, 6in1 Hexaxim, vắc xin 5in1 Pentaxim, vắc xin 4in1 Tetraxim) ở các điểm tiêm phòng dịch vụ.

Việc chủng ngừa bại liệt đủ liều theo khuyến cáo bằng vắc xin qua đường uống hay đường tiêm đều mang đến hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy vậy, nếu trẻ tiêm vắc xin có thành phần bại liệt trong các mũi vắc xin phối hợp tại các điểm tiêm dịch vụ, trẻ vừa phòng được bại liệt lại vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trong cùng 1 mũi tiêm chủng.

Việc chọn tiêm phòng vắc xin bại liệt tiêm hay uống, vắc xin TCMR hay dịch vụ là tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện của từng gia đình. Điều quan trọng nhất là cần phải tiêm/uống đủ mũi và đúng lịch để nâng cao tối đa hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.

Đối tượng nào cần tiêm phòng bại liệt?

Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm virus. Đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm virus bại liệt là những người chưa được tiêm phòng vắc xin bại liệt. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh bại liệt.

Những trường hợp cần tiêm vắc xin phòng bại liệt bao gồm:

  • Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên;
  • Những người làm công việc chăm sóc trẻ em; nhân viên y tế; kỹ thuật viên làm việc trong phòng xét nghiệm…

Tiêm phòng bại liệt khi nào, lịch tiêm phòng bại liệt cho trẻ

Hiện nay, lịch uống và tiêm vắc xin bại liệt của chương trình TCMR là uống 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) vào thời điểm trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi, khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt (IPV).

Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có thành phần bại liệt bao gồm:

  • Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp), vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
  • Vắc xin phòng 4 bệnh Tetraxim (Pháp) nên được bắt đầu từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Mũi nhắc lại được tiêm vào năm thứ 2.

Uống/tiêm phòng bại liệt có sốt không? Những phản ứng phụ sau khi uống/tiêm vắc xin bại liệt?

Uống/tiêm phòng bại liệt có sốt không là thắc mắc của rất nhiều Bố Mẹ khi đưa con đi chủng ngừa. Cũng như những loại vắc xin khác, vắc xin bại liệt qua đường uống hoặc đường tiêm cũng có những tác dụng không mong muốn như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt, quấy khóc sau khi uống vắc xin. Tuy nhiên, Bố Mẹ không nên quá lo lắng vì đây đều là những phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp nhận vắc xin. Tuỳ vào cơ địa của từng trẻ, có trẻ không sốt, có trẻ sốt sau vài ngày. Do đó Bố Mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.

Những lưu ý khi tiêm phòng vắc xin bại liệt

Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế, không tiêm vắc xin bại liệt cho người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hoặc có thể tạm hoãn tiêm chủng nếu người được tiêm vắc xin đang cảm thấy không khỏe.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin bại liệt bao gồm:

  • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng:

  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…).
  • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng.
  • Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
  • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Không nên trì hoãn tiêm chủng nếu chỉ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ mà không sốt, vì chỉ khi tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vắc xin mới đạt được hiệu phòng bệnh tốt nhất.

Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm phòng vắc xin bại liệt

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Các vắc xin rất an toàn. Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Đa số các phản ứng thường gặp như đau, xuất hiện quầng đỏ, sưng tại nơi tiêm, sốt nhẹ sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Tuy nhiên, để đề phòng những phản ứng không mong muốn, Quyết định 2535/QĐ- BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng.

Người được tiêm chủng phải được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em thì ba mẹ, người thân nên theo dõi và chăm sóc trẻ, lưu ý các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm:

  • Toàn trạng;
  • Tinh thần, tình trạng ăn, ngủ;
  • Dấu hiệu về nhịp thở;
  • Nhiệt độ, phát ban;
  • Các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…)

Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.

Người được tiêm chủng cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu tai biến nặng sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng của người được tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở…

Tiêm phòng vắc xin bại liệt ở đâu?

Để tiêm/uống vắc xin bại liệt cho trẻ, phụ huynh có thể liên hệ trạm Y tế phường, xã, Trung tâm Y tế dự phòng, hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ uy tín. Nên lựa chọn những nơi thường xuyên cập nhật đủ vắc xin, đặc biệt là có điều kiện cơ sở vật chất, dây chuyền bảo quản vắc xin đạt chuẩn để đảm bảo vắc xin được lưu trữ tốt nhất.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Nghiên cứu kéo dài 10 năm của Đại học Newcastle và Đại học Leeds cho thấy tinh bột kháng có tác dụng phòng ung thư.

Công trình đã xem xét gần 1.000 bệnh nhân mắc hội chứng Lynch – một dạng rối loạn di truyền liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư nội mạc tử cung và đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

Tất cả tình nguyện viên tham gia được cung cấp một lượng tinh bột kháng hàng ngày, tương đương một quả chuối xanh, trong thời gian trung bình là 2 năm.

Các chuyên gia phát hiện mặc dù nó không làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột nhưng liều lượng này đã làm giảm tới 60% nguy cơ ung thư phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể.

Tác dụng này đặc biệt rõ rệt đối với người bệnh ung thư hệ tiêu hóa như thực quản, dạ dày, đường mật, tuyến tụy và tá tràng. Hiệu quả đáng kinh ngạc này được ghi nhận kéo dài trong 10 năm sau khi ngừng sử dụng.

Tinh bột kháng còn được gọi là chất xơ có thể lên men. Giáo sư John Mathers, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Newcastle, nói: “Điều này rất quan trọng vì ung thư đường tiêu hóa trên rất khó chẩn đoán và thường không được phát hiện sớm”.

Theo giáo sư Mathers, tinh bột kháng có thể được sử dụng dưới dạng chất bổ sung bột và có dạng tự nhiên ở đậu Hà Lan, các loại đậu, yến mạch và các thực phẩm giàu tinh bột khác.

Tinh bột kháng là một loại carbonhydrate không tiêu hóa được trong ruột non, thay vào đó lên men trong ruột già, cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột – hoạt động giống chất xơ trong hệ tiêu hóa. Loại tinh bột này có một số lợi ích và cung cấp ít calo hơn tinh bột thông thường.

“Chúng tôi nghĩ rằng tinh bột kháng có thể làm giảm sự phát triển của ung thư bằng cách thay đổi quá trình chuyển hóa acid mật của vi khuẩn và giảm các loại acid mật làm hỏng ADN của con người. Tuy nhiên, việc này cần được nghiên cứu tiếp”, giáo sư Mathers nói.

Hội chứng Lynch hay còn được biết đến là hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (HNPCC), là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư đại trực tràng di truyền. Nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày, đường gan mật (gan/túi mật), hệ tiết niệu, tuyến tụy, não, da, thực quản…

Nguyên nhân của hội chứng gây ra bởi đột biến trên các gene, làm cho các gene này không thể hoạt động bình thường, dẫn tới tích tụ ngày càng nhiều sai sót của ADN mà không được sửa chữa, từ đó gây bệnh ung thư.


Sốt virut là bệnh gặp chủ yếu trong mùa hè ở trẻ, bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp với triệu chứng điển hình là trẻ đột ngột sốt cao 39 – 40oC, kèm theo các triệu chứng khác như ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban…

Triệu chứng trẻ bị sốt virut

– Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Trong cơn sốt trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol… Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường; đau mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc; đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

– Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ…

 Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhày.

– Viêm hạch: Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

– Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

– Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

– Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Một số loại virut thường gây sốt như: Myxo virut, Coxackie, Entero virut, sởi, … Virut có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm virut qua đường hô hấp, tiêu hóa… có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virut là sốt cao. Trong thuật ngữ y học thường gọi là sốt virut. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ, sau 3-5 ngày sẽ giảm dần và mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh. Các xét nghiệm cho thấy: Bạch cầu thường giảm hoặc bình thường. Huyết sắc tố bình thường. CRP < 6mg/ml. Một số trường hợp có thể phân lập virut từ dịch ngoáy họng hoặc máu. Sử dụng kỹ thuật PCR có thể giúp tìm virut trong dịch hầu họng, máu.

Xử trí và phòng ngừa sốt do virut ở trẻ

– Đối với các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị chứng, đối với sốt virut ở trẻ em cũng vậy. Do đó các biện pháp thường áp dụng là:

– Theo dõi nhiệt độ: Đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 – 0,4 độ. Thí dụ nhiệt kế ghi 38oC thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4oC.

– Hạ sốt: Thường dùng paracetamol, chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Cởi quần áo, bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao.

– Lau bằng khăn ướt nước ấm: Dùng khăn mềm, sạch, nhúng nước ấm, lau lên khắp mình trẻ; cho tới khi thân nhiệt xuống 37oC. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi.

– Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

– Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường, và cho uống bù nước ORS (Oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

– Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

– Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…

– Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Chú ýPhải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: khi trẻ sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày. Sốt virut rất dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly với trẻ khác và giữ ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ ốm đến trường vì dễ lây cho nhiều trẻ khác. Trong số những loại bệnh do virut gây nên hiện đã có vaccin phòng bệnh như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, Rubella, các bậc cha mẹ nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch tại các cơ sở y tế. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay, không chỉ phòng cho bản thân trẻ tiêm mà còn tạo độ miễn dịch cho cả cộng đồng.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Bị cúm ăn gì cho nhanh khỏi?

Người mắc cúm thường có triệu chứng sốt cao, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho với cơn ngắn không có đờm, đặc biệt người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, đau nhức cơ thể, chán ăn, ăn không ngon miệng và cảm giác gần như kiệt sức.

Sau khi mắc cúm, một số người có thể bị suy giảm sức đề kháng nên dễ mắc các biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang,… Đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mãn tính, phụ nữ đang mang thai,… có tỷ lệ gặp di chứng nặng cao hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Hầu hết người bệnh cúm đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do năng lượng bị tiêu hao, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách, họ rất dễ suy dinh dưỡng nặng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian hồi phục, tăng chi phí điều trị. Do đó, để chủ động chăm sóc và điều trị cúm hiệu quả, người bệnh cần chú ý vào chế độ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh nhất bằng các loại thực phẩm dưới đây:

1. Các loại thực phẩm giàu kẽm

Kẽm là vi chất mà cơ thể rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu. Khi bị cúm, việc tăng cường bổ sung các thủy hải sản có vỏ giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, hàu, trứng, sữa,… rất cần thiết, vì đây là thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, sức khỏe sớm phục hồi, duy trì vị giác và khứu giác, nâng cao thể trạng. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, nếu thiếu kẽm thì rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, đường tiêu hóa do sức đề kháng bị suy giảm.

2. Rau xanh

Các loại rau xanh cũng là thực phẩm mà người mắc bệnh cúm nên ăn. Cải bó xôi (rau chân vịt), cải xoăn và các loại rau lá xanh khác nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả, bởi rau xanh không chỉ giàu vitamin C, E mà còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene. Đây điều là những chất có tác dụng tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt sức đề kháng của da – lớp “áo giáp” đặc biệt của cơ thể chống lại các tác nhân gây hạn, đặc biệt là virus gây bệnh.

3. Bông cải xanh

Bông cải xanh là loại thực phẩm chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe (giàu hàm lượng vitamin A, C, E). Chất sulforaphane có trong bông cải xanh chống oxy hóa, làm giảm căng thẳng, làm chậm sự suy giảm của hệ thống miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp… Đây là một trong những loại rau rất tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, chứ không chỉ riêng cho người đang bị cúm.

4. Gừng

Gừng là thực phẩm quan trọng hàng đầu được nhiều người sử dụng khi đang bị cúm hoặc sau khi ốm dậy. Theo các nghiên cứu mới nhất, gừng có tác dụng tăng cường miễn dịch của cơ thể, giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Ngoài ra, gừng có thể giảm nôn, buồn nôn rất hiệu quả và là “liều thuốc” rất quan trọng cho hệ miễn dịch.

5. Các loại trái cây giàu vitamin C

Vitamin C là chất dinh dưỡng quan trọng giúp kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, đặc biệt rất hữu ích đối với người đang bị cúm vì dưỡng chất này giúp tăng khả năng sản sinh của bạch hầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được bổ sung qua các thực phẩm để cải thiện sức khỏe. Các loại trái cây họ cam chanh như cam, quýt, chanh, bưởi,… là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin C.

6. Các loại hạt ngũ cốc

Ngũ cốc cũng là loại thực phẩm tốt cho người bệnh cúm. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, quinoa, gạo và yến mạch,… đều có chứa một lượng chất béo, chất xơ cũng như một số vitamin và các khoáng chất khác đáng kể, hỗ trợ người bị cúm nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng như các loại đậu, ngũ cốc tinh chế có chứa phytate – yếu tố làm giảm khả năng hấp thụ kẽm.

Ngũ cốc nguyên hạt chứa ít phytate hơn các phiên bản tinh chế có thể khiến cơ thể giúp hấp thu kẽm nhiều hơn. Đồng thời, việc ăn ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng tốt cho sức khỏe như chất xơ, vitamin B, magie, sắt, phốt pho, mangan và selen. Trên thực tế, ăn ngũ cốc nguyên hạt hỗ trợ kéo dài tuổi thọ và một số lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh lý tim mạch. Do vậy, hạt ngũ cốc trở thành thực phẩm tuyệt vời và rất cần thiết bổ sung vào chế độ ăn uống.

Người bị cúm không nên ăn gì?

Việc tránh những sai lầm trong chế độ dinh dưỡng khi bị cúm rất quan trọng vì nếu dinh dưỡng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, khiến thời gian bị cúm kéo dài, sức khỏe lâu hồi phục hơn. Dưới đây là các thực phẩm người mắc cúm cần kiêng ăn:

Thức ăn cứng

Khi bị cúm, cổ họng người bệnh bị đau rát, khó chịu khiến việc ăn uống sẽ rất khó khăn. Vì vậy, người bị cúm không nên ăn các loại thực phẩm cứng để tránh cơn đau trở nên trầm trọng. Người bệnh chỉ nên ăn các món được nấu mềm lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, có tác dụng giải cảm, rất tốt khi bị cảm cúm như: cháo gà, cháo thịt bằm, cháo trứng, cháo hành, tía tô,…

Thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh và sản phẩm đóng hộp chứa rất nhiều chất tạo màu, chất bảo quản và hóa chất gây hại cho sức khỏe. Đây là những thực phẩm được chế biến theo quy trình nên rất ít chất dinh dưỡng, do đó đây là những món ăn người bệnh cúm nên kiêng. Thay vào đó, để cơ thể nhanh chóng hồi phục, người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sống và giàu chất dinh dưỡng.

Thức ăn nhiều dầu mỡ

Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào,… khiến người bệnh chướng bụng, đầy hơi và cần tiêu hao năng lượng để tiêu hóa. Sau những ngày đau ốm kéo dài, để cải thiện hệ tiêu hóa, người bệnh nên lựa chọn các phương pháp chế biến món ăn nhẹ nhàng như: luộc, hấp, cháo, súp,…

Một số câu hỏi thường gặp về chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh cúm

Bị cúm có nên ăn sữa chua không?

! Sữa chua chứa hàm lượng lớn lợi khuẩn (Probiotics), khi lợi khuẩn này vào đường ruột sẽ ức chế vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Gần 70% hoạt động của hệ miễn dịch diễn ra trong ruột. Hệ tiêu hóa càng tốt thì sức đề kháng càng mạnh. Sữa chua là nguồn cung vitamin D tuyệt vời, tăng khả năng phòng thủ tự nhiên hoàn hảo chống virus, đồng thời giúp người bệnh có làn da mịn màng.

Cúm uống nước tỏi, ăn tỏi nướng được không?

ĐƯỢC! Tỏi được ví như loại “thần dược” giúp phòng cúm và viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, mỡ máu,… hiệu quả. Bởi trong tỏi chứa nồng độ lớn iod và tinh dầu (giàu glucogen và allicin, fitonxit) có tác dụng diệt vi khuẩn bằng cách ức chế các enzyme có chứa lưu huỳnh cần thiết, chống viêm hiệu quả.

Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D,… và rất nhiều khoáng chất cần thiết như i-ốt, canxi, magie,… Chính vì vậy, tỏi là thực phẩm hàng đầu không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng mà còn giúp phòng tránh các dịch bệnh khác như cúm.

Người bệnh cúm có ăn trứng gà, trứng vịt lộn được không?

ĐƯỢC! Mặc dù trứng không chứa một lượng kẽm lớn như một số loại thực phẩm khác, nhưng trứng cung cấp 1 lượng kẽm nhất định, theo nghiên cứu 1 quả trứng lớn chứa khoảng 5% lượng kẽm yêu cầu của ngày, đồng thời cung cấp đi kèm 77 kalo, 6 gram protein, 5 gram chất béo lành mạnh và các loại vitamin khoáng chất khác, bao gồm vitamin B và selen. Đặc biệt, trứng nguyên chất là một nguồn choline (4) quan trọng – chất dinh dưỡng mà hầu hết mọi người đều bị thiếu hụt.

Đã có lo ngại về cholesterol đối với trứng nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nếu sử dụng cả lòng đỏ và lòng trắng trứng với mức độ vừa phải thì sẽ không thừa cholesterol mà còn nhận được rất nhiều dưỡng chất từ trứng.

Bị cúm ăn thịt gà, thịt vịt được không?

KHÔNG NÊN! Mặc dù thịt gia cầm như thịt gà, thịt vịt,… có chứa rất nhiều vitamin B6, đây là vi chất cực tốt hỗ trợ cho phản ứng xảy ra trong cơ thể, cần thiết để hình thành các tế bào hồng cầu mới và khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bị mắc cúm cơ thể sẽ ở trong trạng thái mệt mỏi, chức năng tiêu hóa giảm sút. Thịt vịt có lượng mỡ tự nhiên khá cao, sẽ cản trở quá trình hấp thụ và tiêu hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể. Bên cạnh đó, thịt vịt còn có tính hàn có thể khiến diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, khi bị cúm, tốt nhất người bệnh nên hạn chế ăn thịt vịt. Thay vào đó, hãy chọn các loại thịt heo,… để chế biến những món ăn nhẹ nhàng, thanh đạm và dễ tiêu.

Trên đây là toàn bộ thông tin về người bị cúm nên ăn gì? kiêng ăn gì? để bệnh nhanh khỏi. Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng do virus cúm. Ngoài ra, virus cúm luôn biến đổi hàng năm, để dự phòng hiệu quả, trẻ em và người lớn cần chủ động chủng ngừa vắc xin cúm hàng năm để bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


1. Triệu chứng của cúm A

Về bệnh cúm A , theo TS. BS Nguyễn Thành Nam, đây là tình trạng nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện:

Sốt Đau cơ, mệt mỏi Viêm long đường hô hấp, đau họng Có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy).

Đặc biệt ở đối tượng trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não , tử vong.

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus.

2. Cách điều trị khi mắc cúm A

Chuyên gia Nhi khoa cho biết, điều trị trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như: hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch), nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát. Đặc biệt quan trọng là tiêm phòng vaccine cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.

Với những trường hợp tiến triển nặng hơn, xuất hiện biến chứng, để chữa trị cúm A trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu và hồi sức ban đầu để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.

Thuốc Tamiflu được chỉ định điều trị bệnh cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn. Nếu thuốc được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi xuất hiện triệu chứng, có thể rút ngắn được thời gian điều trị xuống còn 1-3 ngày. Nếu được sử dụng sớm hơn, trong vòng 24h có thể giảm thời gian điều trị ngắn hơn.

Tamiflu là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải thuốc điều trị đặc hiệu cúm A và chỉ phát huy tác dụng tối đa nếu được sử dụng trong vòng 24h. Mặt khác, Tamiflu chỉ điều trị cúm A không biến chứng, nếu phát hiện biến chứng, bệnh nhân cần được điều trị kết hợp cùng các loại thuốc kháng sinh khác.

3. Cách phòng ngừa cúm A

– Phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: người có tuổi > 65, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai… Thời điểm thích hợp nên tiêm vào tháng 7-9 hàng năm.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

– Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

– Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

– Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

– Ngoài ra, tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang… cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.

– Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu , mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

 


Cúm A là cúm gì?

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.

Các chủng loại virus cúm A

Virus cúm A liên tục thay đổi và có khả năng gây ra những trận đại dịch lớn. Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9.

Bệnh cúm A có nguy hiểm không?

Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48h trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ,… Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu,… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong. Do đó ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, triệu chứng viêm long đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Biến chứng cúm A ở trẻ em

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ.

Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm A trở nặng sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:

  • Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt;
  • Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh;
  • Co giật;
  • Khó thở, thở nhanh.

Diễn biến các giai đoạn của bệnh cúm A

Thời gian ủ bệnh của cúm A dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Thông thường, thời gian ủ bệnh của cúm A có thể từ 2-8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày. Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người đã từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.

Người mắc bệnh cúm A thường đào thải virus trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Trong một số trường hợp có thể dài hơn từ 7-10 ngày.

Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1-2 tuần.

Đối tượng mắc cúm A

Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm A. Tỷ lệ cảm nhiễm các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên đến 90% ở người lớn và trẻ em. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh, gồm:

  • Trẻ em <5 tuổi, trong đó, trẻ em <2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao;
  • Người lớn >65 tuổi;
  • Những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…;
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ;
  • Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, động kinh,…;
  • Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Nguyên nhân mắc cúm A

Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một người còn có thể mắc cúm A khi:

  • Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt (ly, chén, muỗng, khăn,…) với người bệnh, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa virus (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng;
  • Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm, chum;
  • Tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở,… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan virus.

Triệu chứng nhận biết cúm A

Thông thường, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.

Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước,… (5)

Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.

Rất khó để phân biệt sốt do cúm A và sốt do nguyên nhân khác. Thông thường, khi bị cảm lạnh, người bệnh thường sốt cao kéo dài hơn khi bị cúm A. Cảm giác mệt mỏi nghiêm trọng và đau nhức cơ trong một số trường hợp. Sau một thời gian sốt cao không hạ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đi lại khó khăn.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Vắc-xin thủy đậu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm phòng nhằm giúp bảo vệ một cách an toàn và hiệu quả bệnh thủy đậu. Vắc-xin thủy đậu tiêm cho những đối tượng nào, lịch tiêm ra sao và tiêm ở đâu? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin được cung cấp dưới đây.

Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực, giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu. Vắc-xin có dạng đông khô của virus Varicella gây bệnh thủy đậu.

1. Các loại vắc-xin thủy đậu

Có 2 loại vắc-xin thủy đậu đang được sử dụng hiện nay là:

  • Vắc-xin Varivax: Do hãng Merck Sharp & Dohme, Hoa Kỳ sản xuất và được tiêm 2 liều 0.5mL/liều, mỗi liều cách nhau 4 – 8 tuần.
  • Vắc-xin Varicella: Do hãng Green Cross, Hàn Quốc sản xuất và được tiêm 1 liều 0.5mL duy nhất.

2. Lịch tiêm vắc-xin thủy đậu

Lịch tiêm vắc-xin thủy đậu cho từng độ tuổi cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi: 1 mũi.
  • Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi và chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 1 mũi.
  • Trẻ trên 13 tuổi/người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4-8 tuần.
  • Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vắc-xin thủy đậu trước khi dự định mang thai từ 3 đến 5 tháng (3 tháng với vắc-xin Varicella và 5 tháng với vắc-xin Varivax).

3. Những trường hợp cần được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu

  • Những người chưa từng bị thủy đậu hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
  • Những người bị bệnh liên quan đến bạch cầu như bạch cầu cấp tính; bị suy giảm hoặc nghi ngờ bị suy giảm hệ thống miễn dịch do đang điều trị bệnh.
  • Những người bị hội chứng thận hư hoặc bị VIÊM PHẾ QUẢN nặng đang điều trị bằng thuốc ACTH hay Corticosteroids.
  • Những người làm trong ngành y tế, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân hoặc các đối tượng đã tiêm vắc-xin thủy đậu nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao.
  • Những người sống trong một cộng đồng, khu vực khép kín như khu tập thể, khu ký túc xá, trường học, bệnh viện. Việc tiêm phòng sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế lây truyền bệnh.

4. Những trường hợp không được tiêm vắc-xin thủy đậu

  • Đang bị sốt hoặc nổi ban, có dấu hiệu dị ứng.
  • Mắc CÁC BỆNH LIẾN QUAN ĐẾN TIM MẠCH, rối loạn chức năng gan, thận, các bệnh về máu hoặc những bệnh có diễn biến bất thường.
  • Có tiền sử co giật trước khi tiêm vắc-xin (trong vòng 1 năm trước khi tiêm).
  • Có tiền sử phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin thủy đậu.
  • Bị suy giảm miễn dịch tế bào.
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai trong vòng 2 tháng.
  • Đã tiêm chủng các vắc-xin dạng sống khác trong vòng 1 tháng trước khi tiêm vắc-xin thủy đậu (như sởi, quai bị, rubella, lao, bại liệt – dạng uống).
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch.
  • Mắc các bệnh liên quan đến bạch cầu như bạch cầu, u lympho ác tính, bạch cầu tủy cấp. Bệnh nhân đang được điều trị bệnh bạch cầu ở giai đoạn tấn công, hệ thống miễn dịch bị ức chế mạnh do xạ trị.

5. Tác dụng phụ của vắc-xin thủy đậu

Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu là:

  • Tại vị trí tiêm có thể bị sưng đau, tấy đỏ, ngứa, tụ máu, nổi cục cứng.
  • Trên toàn cơ thể có biểu hiện ngứa, sốt, và phát ban.
  • Trong vòng 1 – 3 tuần sau khi tiêm, trẻ em và người lớn có thể có biểu hiện sốt và phát ban. Tuy nhiên, đây là phản ứng thông thường vì vậy, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất. Những người có nguy cơ cao mắc phản ứng phụ với vắc-xin sẽ có triệu chứng sốt, kèm theo phát ban dạng phỏng nước, hoặc nốt sần, phản ứng xảy ra trong vòng 2 – 4 tuần sau khi tiêm .
  • Một số ít trường hợp hiếm gặp có thể bị xuất huyết, chảy máu cam hoặc chảy máu niêm mạc trong miệng.

6. Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc-xin thủy đậu

  • Sau khi tiêm phòng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần kiêng cữ, tránh có thai trong vòng 3 tháng.
  • 6 tuần sau khi tiêm chủng vắc-xin thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với những người có khả năng cao bị lây truyền bệnh thủy đậu như người mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch, phụ nữ đang mang thai, trẻ sơ sinh có mẹ chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
  • Phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi tiêm vắc-xin vì có khả năng virus được bài tiết vào sữa mẹ.
  • Khi tiêm vắc-xin thủy đậu, cần nghỉ ngơi trong và sau khi tiêm 1 ngày, và luôn giữ gìn sạch sẽ vị trí tiêm.
  • Khi có các biểu hiện sốt, co giật cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Vì nhiều lý do khác nhau như quên, lo ngại trẻ ốm sốt, thiếu thông tin về các loại vắc xin… mà nhiều bậc phụ huynh làm nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ. Trong hoàn cảnh đó, câu hỏi phổ biến mà nhiều cha mẹ thắc mắc là việc nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ có sao không và cần làm gì khi trẻ không được tiêm đúng lịch.

Tại sao trẻ cần tiêm phòng đúng lịch?

Việc tiêm ngừa được chứng minh là biện pháp tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu, có khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.

Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra, nhờ có vắc xin mà 2,5 triệu trẻ em không bị chết vì bệnh truyền nhiễm mỗi năm. Trẻ được chủng ngừa có sức khỏe tốt, thể chất và trí não phát triển bình thường, tránh tối đa nguy cơ bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ có sao không? Trẻ được tiêm ngừa đúng lịch giúp tăng hiệu quả phòng bệnh

Cũng theo WHO, lịch tiêm chủng được tính toán và lập ra dựa vào kết quả của vô số nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm nhằm tìm ra ở độ tuổi nào, trẻ có phản ứng miễn dịch tối ưu và có mức bảo vệ tốt nhất, cũng như ở độ tuổi nào trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong cao khi mắc một trong những bệnh có thể chủng ngừa.

Như vậy là, chỉ khi trẻ được tiêm đúng lịch khuyến cáo thì khả năng phòng vệ của vắc xin trước bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, với hầu hết các loại vắc xin, đợt tiêm ngừa đầu tiên được xem là đợt tiêm ngừa cơ bản cho trẻ. Tuy nhiên qua thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể bé sẽ giảm dần, có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Do đó, liều vắc xin nhắc lại có vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ của hệ miễn dịch, giúp cơ thể tái sản xuất lượng kháng thể đủ để bảo vệ bé.

Nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ có sao không?

Không phải bé nào cũng được tiêm phòng đúng lịch, bởi các lý do như: bố mẹ vì bận bịu công việc mà quên lịch tiêm phòng của con hay thiếu thông tin về các loại vắc xin mà con cần dẫn đến việc không đưa con tiêm đủ liều/ tiêm đúng lịch.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp bé bị sốt cao hoặc mắc một bệnh lý nào đó dẫn đến không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm đúng lịch chủng ngừa.

Theo nguyên tắc, tiêm đúng lịch là tối ưu nhất cho việc phòng bệnh vì vắc xin sẽ phát huy tối đa được hiệu quả phòng vệ. Trong trường hợp trẻ bị nhỡ lịch tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, khả năng phòng bệnh sẽ thấp, bé có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là vào các mùa cao điểm của dịch bệnh.

Để không làm nhỡ lịch tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ cần bám sát lịch chủng ngừa. Trong trường hợp quên hoặc bé bị bệnh/sốt không thể tiêm theo lịch, phụ huynh cần liên hệ các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn hướng khắc phục.

Tùy theo từng loại vắc xin và bệnh lý cụ thể, cán bộ y tế có thể sẽ tư vấn tiêm bù cho trẻ.

Bên cạnh đó, trong trường hợp trẻ đã đến tuổi tiêm phòng hoặc đến thời gian tiêm nhắc lại nhưng các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu/hết, phụ huynh có thể lựa chọn tiêm vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, trung tâm tiêm chủng uy tín.

Ngược lại nếu một mũi vắc xin dịch vụ nào đó quá khan hiếm, bố mẹ vẫn có thể cho con tiêm thay thế vắc xin miễn phí (nếu có). Việc tiêm xen kẽ giữa vắc xin miễn phí và vắc xin dịch vụ đã được chứng minh không làm giảm hiệu quả phòng bệnh và không gây nguy hiểm cho bé.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Thực tế, đa số các lịch chích ngừa đều tương tự nhau và chỉ có một số nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất là biết thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) một loại vaccine nào đó và khoảng cách tối thiểu giữa hai liều của cùng loại vaccine.
Ví dụ: Vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ hai cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Do đó, khi đưa trẻ đi khám, nếu trẻ đã được 6 tuần tuổi mà cha mẹ cảm thấy lo lắng thì có thể cho trẻ chích ngừa luôn, không nhất thiết phải đợi đến lúc đủ 2 tháng mới chích như trong lịch chủng ngừa.
Mặt khác, vì khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều bạch hầu-ho gà-uốn ván là 4 tuần (chứ không phải là tối đa) nên có lịch chích ngừa là 2-4-6 tháng tuổi (đều bảo đảm hai liều cách nhau tối thiểu 4 tuần lễ).
 Cũng dựa trên nguyên tắc khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều vaccine của cùng một loại vaccine, nên dù trẻ chích ngừa mũi kế tiếp trễ so với hẹn thì trẻ cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại, không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên nữa.
Ví dụ: Nếu trẻ chích viêm gan B liều 1 và liều 2 xong, liều 3 thường hay bị mẹ quên (do thường cách liều đầu vài tháng) hay trẻ bị bệnh gì đó chưa chích được, thì khi nào nhớ ra hay đi khám, trẻ có thể được chích nốt liều 3 dù cách liều đầu hay liều 2 cả năm trời mà không cần nhắc lại từ đầu.

Khoảng cách thời gian tối thiểu cách nhau 4 tuần này chỉ áp dụng đối với:

Cùng một loại vaccine: ví dụ cùng là vaccine bạch hầu thì mũi 2 cách mũi đầu 4 tuần.
Hai loại vaccine sống giảm độc lực dạng chích khác nhau mà được chích khác ngày. Hiện nay, các loại vaccine sống giảm độc lực bao gồm dạng chích là sởi, quai bị, rubella, trái rạ (thủy đậu), sốt vàng, đậu mùa. Các loại còn lại đều là vaccine bất hoạt.

Những trường hợp KHÔNG áp dụng khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai mũi chích:

Chích trong cùng một ngày đối với hai hay nhiều loại vaccine sống dạng chích. Ví dụ, trẻ có thể được chích cùng lúc tất cả các mũi sởi-quai bị-rubella và trái rạ.
Giữa hai loại vaccine bất hoạt khác nhau hay giữa một vaccine sống dạng chích và một vaccine bất hoạt thì không tính khoảng cách tối thiểu 4 tuần. Ví dụ: trẻ được chích viêm gan B vào thứ Hai, thứ Ba có thể chích viêm gan A, thứ Tư có thể chích bạch hầu hay ho gà… Hoặc thứ Hai trẻ được chích viêm gan A, thứ Ba trẻ có thể được chích sởi-quai bị-rubella mà không có vấn đề gì.

Chích được NHIỀU vaccine cùng lúc:

Hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận đến 10.000 kháng nguyên cùng một lúc, thế nhưng, tổng số vaccine trong thực tế hiện nay chưa bao giờ chiếm một phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của trẻ (chỉ khoảng vài phần ngàn là tối đa). Vì thế, có thể chích cho trẻ bao nhiêu vaccine cùng một lúc đều được miễn thỏa mãn điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu nêu trên.
Chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, giúp tiết kiệm thời gian (và tiền bạc) di chích ngừa nhiều lần, giúp tránh phải lỡ một loại vaccine nào đó và đỡ phải “hối tiếc” khi đến kỳ đi chích vaccine nào đó mà vaccine đó lại “hết hàng”.
Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc - Hạnh Phuc Vaccine Center

CN1: 25 Đinh Tiên Hoàng, P2, Bảo Lộc, Lâm Đồng
CN2: 305 Hùng Vương, Di Linh, Lâm Đồng
Hotline: 026.33.726.999
Email: hpvc.contact@gmail.com
Website: hpvc.vn

Copyright by Hanh Phuc Vaccine Center 2021. All rights reserved.