TIÊM GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI ?
Tiêm phòng trước khi mang thai rất cần thiết, nhằm giúp mẹ bầu phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm như quai bị, thủy đậu, viêm gan B… và đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chị em vẫn còn chủ quan, chưa chủng ngừa đầy đủ các mũi tiêm trước khi mang thai, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
1. Vì sao nên tiêm ngừa trước khi mang thai?
Đối với sức khỏe mẹ bầu
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi về thể chất, hệ thống miễn dịch suy giảm nên mẹ bầu rất dễ bị tấn công bởi các bệnh lý nguy hiểm như sởi, quai bị, thuỷ đậu…
Nếu mẹ mắc phải một số bệnh truyền nhiễm, khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi rất cao. Thậm chí, thai nhi có thể ngừng phát triển, chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh… Đó chính là lý do tại sao chị em cần phải tiêm phòng trước mang thai.
Đối với thai nhi
Mẹ được chủng ngừa đầy đủ sẽ giúp tạo miễn dịch thụ động cho bé ngay sau khi chào đời. Đặc biệt, một số loại vắc xin có khả năng tạo sức đề kháng cho bé từ khi còn trong bụng mẹ, nhờ đó giúp phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Lưu ý, chị em cần phải tiêm phòng trước khi mang thai theo đúng các quy định về an toàn tiêm chủng bởi một số vắc xin virus sống có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Ngoài ra, mẹ bầu cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
2. Những vắc xin cần tiêm ngừa trước khi mang thai
Dưới đây là danh sách các mũi tiêm trước khi mang thai cần thiết để giúp bảo vệ mẹ và bé tránh khỏi những bệnh lý nguy hiểm:
2.1. Vắc xin sởi, quai bị và Rubella (MMR)
Sởi, quai bị và Rubella (bệnh sởi Đức) là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Nếu người mẹ mắc các bệnh này khi mang thai thì nguy cơ thai nhi bị dị tật, chết lưu, sinh non… rất cao. Hiện nay, phụ nữ có thể tiêm phòng trước khi mang thai bằng mũi MMR – vắc xin phối hợp sởi, quai bị và Rubella để phòng bệnh.
2.2. Vắc xin thủy đậu
Vắc xin thủy đậu cũng nên được tiêm trước khi mang thai. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây lan cao, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong 5 tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị tật hình thể, liệt tay chân cho bé. Ngoài ra, mẹ mắc bệnh thủy đậu khi gần sinh còn có thể lây truyền virus thủy đậu sang cho trẻ khi sinh nở.
2.3. Vắc xin viêm gan siêu vi B
Viêm gan B là một căn bệnh về gan do virus HBV gây ra. Nếu mẹ bị nhiễm trong 3 tháng giữa thai kỳ, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10-20%, 3 tháng cuối thai kỳ là 90%. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp và phá hủy nặng nề đến gan, về lâu dài gây xơ gan, ung thư gan…
2.4. Vắc xin cúm
Bà bầu khi mắc bệnh cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể khiến thai nhi bị các dị tật như hở hàm ếch và sứt môi. Vì thế, việc tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai rất cần thiết.
2.5. Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván
Đây đều là những bệnh dễ gặp và vô cùng nguy hiểm với thai nhi. Vì vậy, chủ động tiêm ngừa trước khi mang thai vắc xin uốn ván – bạch hầu và ho gà sẽ giúp phòng tránh các dị tật bẩm sinh ở trẻ do bệnh gây ra.
2.6. Vắc xin ung thư cổ tử cung (HPV)
Vắc xin ung thư cổ tử cung là một trong các mũi tiêm trước khi mang thai.HPV là một loại virus gây u nhú ở người. Mặc dù không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng thống kê có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. Vì thế, nếu bạn dưới 26 tuổi, chuẩn bị kết hôn và mang thai thì không nên bỏ qua loại vắc xin này.
3. Cần làm gì khi quên tiêm chủng trước khi mang thai?
- Không được tiêm bù vì mỗi loại vắc xin đều có thời điểm và số mũi tiêm riêng.
- Vì cơ thể yếu hơn so với những phụ nữ đã được tiêm phòng nên bạn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học nhằm nâng cao đề kháng.
- Tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ chuyên môn để có phương án khắc phục phù hợp nhất.
4. Tiêm phòng trước khi mang thai và những thắc mắc thường gặp
4.1. Tiêm ngừa trước khi mang thai cần lưu ý gì?
- Xét nghiệm kháng thể trước khi chích ngừa hay không tùy trường hợp. Tiêm chủng đúng theo lịch tiêm phòng của bác sĩ tư vấn đưa ra trong mỗi lần thăm khám.
- Trong thời gian chủng ngừa các loại vắc xin, nên sử dụng các biện pháp tránh thai ít nhất 1 tháng nếu là vắc xin sống. Nếu không may, mang thai trong thời gian đó, cần báo ngay bác sĩ, tham khảo ý kiến và theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Không nên tiêm phòng khi cơ thể có các triệu chứng như sốt, cảm cúm, đang mắc các bệnh về xương khớp, thận…
- Sau khi tiêm phòng, cần theo dõi cơ thể từ 24 – 48 giờ để phòng các phản ứng phụ, sốc thuốc có thể xảy ra. Khi có các biểu hiện như co giật, ngất xỉu, choáng váng, chóng mặt bạn nên đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất.
4.2. Tiêm phòng trước mang thai lần 2 có giống lần 1 không?
Cũng giống như lần đầu, trước khi mang thai lần 2 chị em cũng nên tiêm ngừa để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, các loại vắc xin cần tiêm sẽ phụ thuộc vào số lượng vắc xin đã chủng ngừa trước đây, thời gian tiêm gần nhất cách mấy năm, kháng thể còn cao hay không.
Vì vậy, bạn cần xét nghiệm kháng thể để xác định có nên tiêm lại hay không (đã từng tiêm vắc xin). Tốt nhất, nên gặp Bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn về việc nên tiêm ngừa loại nào.
4.3. Tiêm chủng trước khi mang thai có tác dụng trong bao lâu?
Mỗi loại vắc xin sẽ có tác dụng phòng bệnh trong một thời gian nhất định. Cụ thể:
- Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván cần tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
- Vắc xin cúm cần tiêm ngừa nhắc lại mỗi năm.
- Vắc xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung có tác dụng khoảng 30 năm.
- Vắc xin viêm gan B, sau khi chủng ngừa đầy đủ 3 mũi và tiêm nhắc lại mũi thứ 4 (sau 1 năm) thì gần như có thể miễn dịch suốt đời với virus HBV.
- Vắc xin thủy đậu có thời gian phòng bệnh khoảng 15 năm. Phụ nữ nên đi tiêm mũi tăng cường để phòng bệnh hiệu quả.
4.4. Tiêm vắc xin trước khi mang thai có an toàn không?
Nhiều chị em có tâm lý lo sợ việc tiêm vắc xin trước khi mang thai sẽ gây hại. Tuy nhiên, các mũi tiêm trước khi mang thai là các loại vắc xin tái tổ hợp hoặc vắc xin bất hoạt nên rất an toàn. Không chỉ vậy, theo Bộ Y tế, nếu tuân thủ đúng các quy định về an toàn tiêm chủng thì sẽ không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
4.5. Các tác dụng phụ khi tiêm phòng trước mang thai
Sau khi tiêm ngừa, chị em có thể sốt nhẹ, đau tại vị trí tiêm, sổ mũi, mệt mỏi, hắt hơi… Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và hết hẳn sau một vài ngày mà không cần dùng thuốc điều trị.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục, ngủ li bì, co giật… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và can thiệp kịp thời.