THEO DÕI 30 PHÚT SAU TIÊM RẤT QUAN TRỌNG
Phản ứng sau tiêm chủng
Theo Thông tư 34/2018/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vắc xin. Các biểu hiện này thường nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau quá trình tiêm chủng vắc xin, bao gồm các triệu chứng xuất hiện tại chỗ như đau, sưng, ngứa, đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại vị trí tiêm; toàn thân có triệu chứng như sốt dưới 39°C và các triệu chứng khác (mệt mỏi, khó chịu, chán ăn). Rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (khó thở, tím tái, sốt cao co giật, quấy khóc kéo dài, ngưng thở, hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ, để lại di chứng, có thể đe dọa tính mạng và tử vong).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại các nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm chủng như sau:
1. Phản ứng liên quan đến vắc xin
Là những phản ứng liên quan đến thành phần có trong vắc xin, thông thường đều là những phản ứng nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc xin rất hiếm gặp.
2. Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng
Là phản ứng liên quan đến quá trình bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc xin không đúng. Những phản ứng này đều có thể phòng ngừa được.
3. Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng
Đây là phản ứng của cơ thể do sự lo lắng quá mức với tiêm chủng. Phản ứng này hay gặp ở nhóm trẻ lớn, người lớn, đặc biệt là trong các đợt dịch.
4. Trùng hợp ngẫu nhiên
Là phản ứng sau tiêm không phải do vắc xin hay sai sót tiêm chủng, cũng không liên quan lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của đối tượng được tiêm chủng. Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với thời điểm tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm chủng vắc xin.
Một số nghiên cứu cho thấy các bệnh trùng hợp ngẫu nhiên này có liên quan đến đột tử không mong muốn (tại Hoa Kỳ tỷ lệ tử vong do SIDS trong vòng 4 tháng đầu đời chiếm tới 72% tổng số tử vong đột ngột ở trẻ đẻ sống dưới 1 tuổi), sặc sữa, tai nạn, nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh bẩm sinh, tim bẩm sinh, sang chấn sản khoa,…
Tại sao phải theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút tại điểm tiêm chủng?
Nguyên tắc vàng trong tiêm chủng là tất cả mọi người cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các phản ứng sớm và nặng, như phản ứng phản vệ.
Phản ứng phản vệ là phản ứng nghiêm trọng của cơ thể khi tiếp xúc đối với một kháng nguyên, có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiêm. Tuy nhiên, một số trường hợp phản ứng phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc và liên quan đến da, đường hô hấp, hệ tim mạch và/hoặc đường tiêu hóa. Nhiều vị trí trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng và các triệu chứng này không nhất thiết phải diễn tiến từ nhẹ (như nổi mày đay, da mẩn đỏ) đến nghiêm trọng (như tắc nghẽn đường dẫn khí, sốc khó điều trị).
Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm đỏ bừng, da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, cảm giác thở nhanh, nghẹt thở hoặc khó thở, sưng phù mi mắt, đánh trống ngực và chóng mặt.
Các triệu chứng quá mẫn bao gồm nổi mề đay, phù mạch, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thở khò khè, thở rít, da tím tái và ngất. Sốc có thể tiến triển trong vòng vài phút, và người bệnh có thể co giật, không đáp ứng dẫn đến tử vong. Trụy tim mạch có thể xuất hiện mà không có triệu chứng hô hấp hoặc các triệu chứng khác.
Do đó, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như trên cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Tại sao phải theo dõi phản ứng thêm 24-48 giờ tại nhà sau tiêm chủng?
Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm, một số phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm sẽ tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là phản ứng phản vệ sau tiêm. Chính vì vậy sau khi tiêm vắc xin, ngoài việc ở lại điểm tiêm theo dõi 30 phút thì trẻ em và người lớn cần theo dõi phản ứng sau tiêm tại nhà trong khoảng 24-48 giờ
Thông thường, sau tiêm chủng, người được tiêm/uống vắc xin thường gặp một số phản ứng như: sốt nhẹ dưới 38 độ C. Lúc này, phụ huynh/người thân cần cho người được tiêm uống nhiều nước, lau mát bằng nước ấm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, mặc quần áo và nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38 độ, trẻ có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc có tiền sử sốt cao co giật..
Đối với phản ứng tại chỗ như đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm, thường sẽ tự khỏi trong vài ngày hoặc 1 tuần. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau, giảm sưng; tuyệt đối không chườm nóng, xoa dầu, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
Đối với những biểu hiện lạ sau tiêm chủng cần nhanh chóng đưa ngay người được tiêm/uống vắc xin đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe:
- Biểu hiện phản ứng phản vệ xảy ra trong vòng 24 giờ sau tiêm vắc xin sau tiêm gồm: sốt cao trên 39 độ C khó hạ, kích thích, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài li bì trên 3 tiếng.
- Phản ứng mẫn cấp tính, thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một số biểu hiện như: thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Trường hợp phản ứng nặng cần khẩn trương cho thở oxy và xử trí như sốc phản vệ.