TẠI SAO NGƯỜI CAO TUỔI CÓ BỆNH NỀN CẦN TIÊM PHÒNG CÚM?
Vaccine cúm không chỉ giúp phòng ngừa nhiễm virus cúm, mà còn góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện, tử vong ở người cao tuổi, có bệnh nền.
Cúm không phải là căn bệnh đơn thuần như nhiều người lầm tưởng, mà có thể gây ra những gánh nặng to lớn cho người bệnh, cho ngành y tế và cho cả xã hội. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm. Riêng trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận hơn 400.000 ca mắc cúm, trong đó có hàng chục ca tử vong. Năm nay, cúm A gia tăng bất thường trong mùa hè cũng khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có những ca nặng, phải thở máy.
Sự nguy hiểm của cúm với người cao tuổi, có bệnh nền
Theo Bác sĩ, ngoài những triệu chứng thông thường như hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt, đau cơ… virus cúm còn có thể gây ra những biến chứng hô hấp, tim mạch. Đặc biệt, chủng virus cúm đột biến năm nay còn dẫn tới biến chứng thần kinh ở các bệnh nhân. Trong số những người có sức đề kháng kém dễ mắc cúm và diễn tiến nặng có người cao tuổi và có bệnh lý nền mạn tính. Do hệ miễn dịch đã suy giảm, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp những biến chứng hô hấp, trong đó phổ biến là viêm phổi, viêm cơ tim. Theo thống kê, cứ 4 ca tử vong do cúm thì có 3 ca là người trên 65 tuổi.
Ở nhóm người có bệnh nền tim mạch do xơ vữa động mạch, khi mắc cúm, những triệu chứng sốt, tim đập nhanh, suy hô hấp sẽ làm tăng sự mất cân bằng cung cầu oxy, khiến máu cô đặc, viêm nhiễm toàn thân, làm ảnh hưởng đến sự nứt vỡ của những mảng xơ vữa động mạch. Những người này, chỉ 3 ngày sau khi nhiễm cúm, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 10 lần, nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng 8 lần.
Ở nhóm bệnh nhân mạn tính về hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, cúm cũng diễn tiến nặng và gây viêm phổi. Những trường hợp viêm phổi nặng sẽ phải nhập viện, thở máy, nguy cơ tử vong cao. Nguy cơ biến chứng tương tự cũng có thể xảy ra với những bệnh nhân mắc đái tháo đường, do hệ miễn dịch bị suy giảm.
Tiêm vaccine cúm bảo vệ người cao tuổi, có bệnh nền
Để phòng ngừa cúm, mọi người, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, súc miệng bằng nước muối trước khi ra khỏi nhà và sau khi về nhà. Hạn chế đến những nơi tập trung đông người để phòng nguy cơ lây nhiễm virus cúm.
Đặc biệt, cần chủ động dự phòng đặc hiệu cúm bằng biện pháp tiêm vaccine. Các Hiệp hội Y khoa Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo tiêm phòng cúm cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong 61% ở người cao tuổi, 55% ở bệnh nhân bệnh mạch vành, 41% ở bệnh nhân COPD, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.
Điểm đặc biệt của virus cúm là thay vỏ hằng năm nên loại vaccine cúm năm trước không còn hiệu lực bảo vệ nữa. Ví dụ, virus cúm A năm nay có tiết ra một loại enzym tác động mạnh đến hệ thần kinh, gây lú lẫn, hưng cảm, rối loạn tâm thần, nặng hơn so với biến chứng hô hấp, tim mạch. Nếu những biến chứng này xảy ra ở người lớn tuổi thì bệnh tình sẽ càng trầm trọng hơn, khó hồi phục hơn những người trẻ khoẻ. Do đó người dân, nhất là nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt. Cần lưu ý tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm để duy trì trạng thái miễn dịch và nồng độ kháng thể cao nhất.