Vaccine sởi (cũng như quai bị, rubella, hay trái rạ) là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa đó là virus sởi sống nhưng đã làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự.

Thường ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho trẻ 9 tháng tuổi. Nhưng trước khi chào đời, trẻ nhận kháng thể từ mẹ qua nhau thai, trong đó có thể đã có kháng thể chống lại sởi. Kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết lúc trẻ khoảng 1 tuổi.

Do đó, khi trẻ được chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt một phần vaccine sởi đó (tiêu hủy bao nhiêu không biết được), vì thế, cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Hiện tượng này gọi là đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn.

  • Mũi vaccine sởi trước khi trẻ được 1 tuổi không được tính là mũi chích đầu tiên. Chính vì không được đáp ứng miễn dịch hoàn toàn, nên nếu sau 1 tuổi mà trẻ không được chích nhắc lại mũi vaccine sởi, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, những trẻ này đã có đáp ứng miễn dịch nên nếu bị sởi thì thường sẽ bị nhẹ hơn những trẻ chưa chích ngừa sởi bao giờ.
  • Vaccine sởi trước 1 tuổi dù không giúp trẻ đáp ứng miễn dịch hoàn toàn nhưng vẫn có hiệu quả bảo vệ tạm thời. Vì thế, nếu có dịch sởi, trẻ từ 6 tháng-11 tháng tuổi vẫn có thể chích một mũi sởi để bảo vệ tạm thời. Nếu trẻ tiếp xúc với bệnh nhân bị sởi và chưa được chích ngừa sởi, thì chích ngừa sởi cho trẻ trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh sởi hay giảm nguy cơ bị sởi nặng.
  • Từ 1 tuổi trở lên, trẻ phải chích lại mũi sởi (thường trẻ được chích mũi MMR) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1). Nếu trẻ chích vaccine sởi đầu tiên vào lúc 1 tuổi trở lên thì đáp ứng miễn dịch được xem là hoàn toàn và lượng kháng thế tạo ra đủ sử dụng trong vài năm.
  • Trẻ sẽ được chích nhắc lại một mũi vaccine sởi (hay MMR) trong khỏang 4-6 tuổi (mũi 2). Không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên, muốn tiêm nhắc sớm hơn cũng được, miễn là phải cách mũi vaccine trước tối thiểu 4 tuần lễ.
  • Nếu trẻ chích mũi đầu tiên sau 1 tuổi thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi là hơn 97%. Trẻ đã được chích ngừa sởi rồi và đã chích theo lịch đầy đủ thì bạn không phải lo lắng quá mức dù có dịch sởi bùng phát.

Như mọi loại vaccine khác, vaccine sởi cũng có thể có một số tác dụng phụ:

  • Có khoảng 10% trẻ được chích ngừa sởi có thể sốt và phát ban sau khi tiêm khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị phản ứng này rất nhẹ và tự khỏi hoàn toàn.
  • Vaccine sởi là vaccine sống nên trên nguyên tắc không được tiêm cho phụ nữ đang mang thai hay người đang suy giảm miễn dịch.
  • Người dị ứng nặng với thành phần trong vaccine sởi (ví dụ dị ứng với kháng sinh neomycine) cũng không tiêm vaccine này được.

Vaccine sởi vẫn có thể tiêm cho phụ nữ đang cho con bú. Việc chích ngừa sởi kịp thời và đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), năm 2017, thế giới có 22 trường hợp mắc bệnh bại liệt. Cho đến 5 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bại liệt được ghi nhận đã giảm xuống còn 8 trường hợp (7 trường hợp ở Afghanistan và 1 trường hợp ở Pakistan). Trong khi đó, xu thế giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng, nguy cơ lây truyền virus gây bệnh bại liệt vào Việt Nam vẫn còn là vấn đề hiện hữu. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ, quyết liệt phòng bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Bệnh bại liệt là gì?

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Bại liệt là bênh truyền nhiễm cấp tính do virus Polio( bại liệt) gây ra. Virus bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời.

Virus Polio từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây bệnh lây nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào đường tiêu hóa, có thể lan truyền thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp. Những trường hợp không có miễn dịch, virus có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Những người này tiếp tục gây bệnh cho những người xung quanh.

Các loại vắc xin phòng bệnh bại liệt

Vắc xin bại liệt là thành quả của toàn nhân loại, đã được đưa vào sử dụng trên thế giới lần đầu tiên vào năm 1952. 10 năm sau đó, vắc xin bại liệt đường uống Sabin (OPV) được sản xuất thành công tại Việt Nam. Sự có mặt của vắc xin đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh bại liệt lên tới 99,9% trên cả 3 chủng virus.

Sau khi vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng hiệu quả, bệnh bại liệt đã được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Số lượng các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99%: từ 350.000 trường hợp vào năm 1988 xuống còn 33 trường hợp vào năm 2018.

Tuy vậy, để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai công tác tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc xin đơn, thì các vắc xin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bại liệt giúp trẻ phòng bại liệt hiệu quả song song với việc tạo miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Hiện nay, có 3 loại vắc xin phòng bệnh bại liệt:

Vắc xin bại liệt đường uống OPV

Vắc xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV) chứa virus bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho virus xâm nhập vào cơ thể. Vắc xin bại liệt dạng uống này nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và trẻ được uống khi 2,3, và 4 tháng tuổi.

Vắc xin bại liệt đường tiêm IPV

Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) chứa virus bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Tiêm vắc xin IPV đã được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc từ năm 2018.

Vắc xin phòng bệnh bại liệt phối hợp

Tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm:

  • Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp) ngừa được 6 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra.
  • Vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
  • Vắc xin Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Vì sao cần tiêm phòng vắc xin bại liệt?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị tê liệt, 5% – 10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Ở Mỹ, vào cuối những năm 1940, dịch bệnh bại liệt đã làm tê liệt trung bình hơn 35.000 người mỗi năm.

Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắc xin, bại liệt trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, gây ra các vụ dịch lớn vào năm 1957-1959 với tỷ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân.

Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Trên thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt cũng đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra (theo WHO).

Vắc xin bại liệt nên tiêm hay uống?

Chương trình TCMR ở Việt Nam được Nhà nước tài trợ (miễn phí) đang triển khai 2 loại vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin Sabin qua đường uống có tên chung là vắc xin bại liệt uống OPV và vắc xin dạng tiêm có tên chung là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV. Bên cạnh đó, vắc xin bại liệt cũng có trong thành phần của những mũi tiêm phối hợp (vắc xin 6in1 Infanrix Hexa, 6in1 Hexaxim, vắc xin 5in1 Pentaxim, vắc xin 4in1 Tetraxim) ở các điểm tiêm phòng dịch vụ.

Việc chủng ngừa bại liệt đủ liều theo khuyến cáo bằng vắc xin qua đường uống hay đường tiêm đều mang đến hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy vậy, nếu trẻ tiêm vắc xin có thành phần bại liệt trong các mũi vắc xin phối hợp tại các điểm tiêm dịch vụ, trẻ vừa phòng được bại liệt lại vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trong cùng 1 mũi tiêm chủng.

Việc chọn tiêm phòng vắc xin bại liệt tiêm hay uống, vắc xin TCMR hay dịch vụ là tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện của từng gia đình. Điều quan trọng nhất là cần phải tiêm/uống đủ mũi và đúng lịch để nâng cao tối đa hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.

Đối tượng nào cần tiêm phòng bại liệt?

Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm virus. Đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm virus bại liệt là những người chưa được tiêm phòng vắc xin bại liệt. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh bại liệt.

Những trường hợp cần tiêm vắc xin phòng bại liệt bao gồm:

  • Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên;
  • Những người làm công việc chăm sóc trẻ em; nhân viên y tế; kỹ thuật viên làm việc trong phòng xét nghiệm…

Tiêm phòng bại liệt khi nào, lịch tiêm phòng bại liệt cho trẻ

Hiện nay, lịch uống và tiêm vắc xin bại liệt của chương trình TCMR là uống 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) vào thời điểm trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi, khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt (IPV).

Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có thành phần bại liệt bao gồm:

  • Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp), vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
  • Vắc xin phòng 4 bệnh Tetraxim (Pháp) nên được bắt đầu từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Mũi nhắc lại được tiêm vào năm thứ 2.

Uống/tiêm phòng bại liệt có sốt không? Những phản ứng phụ sau khi uống/tiêm vắc xin bại liệt?

Uống/tiêm phòng bại liệt có sốt không là thắc mắc của rất nhiều Bố Mẹ khi đưa con đi chủng ngừa. Cũng như những loại vắc xin khác, vắc xin bại liệt qua đường uống hoặc đường tiêm cũng có những tác dụng không mong muốn như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt, quấy khóc sau khi uống vắc xin. Tuy nhiên, Bố Mẹ không nên quá lo lắng vì đây đều là những phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp nhận vắc xin. Tuỳ vào cơ địa của từng trẻ, có trẻ không sốt, có trẻ sốt sau vài ngày. Do đó Bố Mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.

Những lưu ý khi tiêm phòng vắc xin bại liệt

Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế, không tiêm vắc xin bại liệt cho người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hoặc có thể tạm hoãn tiêm chủng nếu người được tiêm vắc xin đang cảm thấy không khỏe.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin bại liệt bao gồm:

  • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng:

  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…).
  • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng.
  • Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
  • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Không nên trì hoãn tiêm chủng nếu chỉ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ mà không sốt, vì chỉ khi tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vắc xin mới đạt được hiệu phòng bệnh tốt nhất.

Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm phòng vắc xin bại liệt

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Các vắc xin rất an toàn. Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Đa số các phản ứng thường gặp như đau, xuất hiện quầng đỏ, sưng tại nơi tiêm, sốt nhẹ sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Tuy nhiên, để đề phòng những phản ứng không mong muốn, Quyết định 2535/QĐ- BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng.

Người được tiêm chủng phải được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em thì ba mẹ, người thân nên theo dõi và chăm sóc trẻ, lưu ý các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm:

  • Toàn trạng;
  • Tinh thần, tình trạng ăn, ngủ;
  • Dấu hiệu về nhịp thở;
  • Nhiệt độ, phát ban;
  • Các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…)

Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.

Người được tiêm chủng cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu tai biến nặng sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng của người được tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở…

Tiêm phòng vắc xin bại liệt ở đâu?

Để tiêm/uống vắc xin bại liệt cho trẻ, phụ huynh có thể liên hệ trạm Y tế phường, xã, Trung tâm Y tế dự phòng, hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ uy tín. Nên lựa chọn những nơi thường xuyên cập nhật đủ vắc xin, đặc biệt là có điều kiện cơ sở vật chất, dây chuyền bảo quản vắc xin đạt chuẩn để đảm bảo vắc xin được lưu trữ tốt nhất.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


1. Triệu chứng của cúm A

Về bệnh cúm A , theo TS. BS Nguyễn Thành Nam, đây là tình trạng nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện:

Sốt Đau cơ, mệt mỏi Viêm long đường hô hấp, đau họng Có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy).

Đặc biệt ở đối tượng trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não , tử vong.

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9… Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus.

2. Cách điều trị khi mắc cúm A

Chuyên gia Nhi khoa cho biết, điều trị trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như: hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch), nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát. Đặc biệt quan trọng là tiêm phòng vaccine cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.

Với những trường hợp tiến triển nặng hơn, xuất hiện biến chứng, để chữa trị cúm A trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu và hồi sức ban đầu để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.

Thuốc Tamiflu được chỉ định điều trị bệnh cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn. Nếu thuốc được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi xuất hiện triệu chứng, có thể rút ngắn được thời gian điều trị xuống còn 1-3 ngày. Nếu được sử dụng sớm hơn, trong vòng 24h có thể giảm thời gian điều trị ngắn hơn.

Tamiflu là thuốc hỗ trợ điều trị, không phải thuốc điều trị đặc hiệu cúm A và chỉ phát huy tác dụng tối đa nếu được sử dụng trong vòng 24h. Mặt khác, Tamiflu chỉ điều trị cúm A không biến chứng, nếu phát hiện biến chứng, bệnh nhân cần được điều trị kết hợp cùng các loại thuốc kháng sinh khác.

3. Cách phòng ngừa cúm A

– Phòng ngừa cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: người có tuổi > 65, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai… Thời điểm thích hợp nên tiêm vào tháng 7-9 hàng năm.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

– Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

– Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

– Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

– Ngoài ra, tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang… cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.

– Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu , mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

 


Thực tế, đa số các lịch chích ngừa đều tương tự nhau và chỉ có một số nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất là biết thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) một loại vaccine nào đó và khoảng cách tối thiểu giữa hai liều của cùng loại vaccine.
Ví dụ: Vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ hai cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Do đó, khi đưa trẻ đi khám, nếu trẻ đã được 6 tuần tuổi mà cha mẹ cảm thấy lo lắng thì có thể cho trẻ chích ngừa luôn, không nhất thiết phải đợi đến lúc đủ 2 tháng mới chích như trong lịch chủng ngừa.
Mặt khác, vì khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều bạch hầu-ho gà-uốn ván là 4 tuần (chứ không phải là tối đa) nên có lịch chích ngừa là 2-4-6 tháng tuổi (đều bảo đảm hai liều cách nhau tối thiểu 4 tuần lễ).
 Cũng dựa trên nguyên tắc khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai liều vaccine của cùng một loại vaccine, nên dù trẻ chích ngừa mũi kế tiếp trễ so với hẹn thì trẻ cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại, không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên nữa.
Ví dụ: Nếu trẻ chích viêm gan B liều 1 và liều 2 xong, liều 3 thường hay bị mẹ quên (do thường cách liều đầu vài tháng) hay trẻ bị bệnh gì đó chưa chích được, thì khi nào nhớ ra hay đi khám, trẻ có thể được chích nốt liều 3 dù cách liều đầu hay liều 2 cả năm trời mà không cần nhắc lại từ đầu.

Khoảng cách thời gian tối thiểu cách nhau 4 tuần này chỉ áp dụng đối với:

Cùng một loại vaccine: ví dụ cùng là vaccine bạch hầu thì mũi 2 cách mũi đầu 4 tuần.
Hai loại vaccine sống giảm độc lực dạng chích khác nhau mà được chích khác ngày. Hiện nay, các loại vaccine sống giảm độc lực bao gồm dạng chích là sởi, quai bị, rubella, trái rạ (thủy đậu), sốt vàng, đậu mùa. Các loại còn lại đều là vaccine bất hoạt.

Những trường hợp KHÔNG áp dụng khoảng cách thời gian tối thiểu giữa hai mũi chích:

Chích trong cùng một ngày đối với hai hay nhiều loại vaccine sống dạng chích. Ví dụ, trẻ có thể được chích cùng lúc tất cả các mũi sởi-quai bị-rubella và trái rạ.
Giữa hai loại vaccine bất hoạt khác nhau hay giữa một vaccine sống dạng chích và một vaccine bất hoạt thì không tính khoảng cách tối thiểu 4 tuần. Ví dụ: trẻ được chích viêm gan B vào thứ Hai, thứ Ba có thể chích viêm gan A, thứ Tư có thể chích bạch hầu hay ho gà… Hoặc thứ Hai trẻ được chích viêm gan A, thứ Ba trẻ có thể được chích sởi-quai bị-rubella mà không có vấn đề gì.

Chích được NHIỀU vaccine cùng lúc:

Hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận đến 10.000 kháng nguyên cùng một lúc, thế nhưng, tổng số vaccine trong thực tế hiện nay chưa bao giờ chiếm một phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của trẻ (chỉ khoảng vài phần ngàn là tối đa). Vì thế, có thể chích cho trẻ bao nhiêu vaccine cùng một lúc đều được miễn thỏa mãn điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu nêu trên.
Chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, giúp tiết kiệm thời gian (và tiền bạc) di chích ngừa nhiều lần, giúp tránh phải lỡ một loại vaccine nào đó và đỡ phải “hối tiếc” khi đến kỳ đi chích vaccine nào đó mà vaccine đó lại “hết hàng”.
Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

1. Cùng 1 lúc thì bé có thể tiêm được bao nhiêu loại vaccine?

Bé hoàn toàn có thể tiêm nhiều mũi vắc xin trong cùng 1 lúc, điển hình là khi mới sinh ra, bé đã tiêm cùng lúc 2 mũi Lao và viêm gan B. Tùy thuộc vào chỉ định của BS.

2. Sốt bao nhiêu độ thì mới uống thuốc hạ sốt? Lưu ý sau tiêm?

Có 2 trường hợp cần uống thuốc hạ sốt giảm đau:

1. Khi bé sốt bằng hoặc trên 38.5 độ C.

2. Khi bé đau, quấy khóc, bỏ bú thì mẹ nên cho bé uống, kể cả khi không sốt.

Không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vacxin. Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng.

3. Khi cho con đi tiêm, mẹ cần mang theo những gì?

Cho trẻ đi tiêm mẹ cần lưu ý mang đầy đủ những giấy tờ liên quan đến việc tiêm chủng trước đó của trẻ, sổ tiêm chủng, sổ khám bệnh, sổ dinh dưỡng. Nên cho bé mặc quần áo dễ cởi. Nên cho trẻ bú hoặc ăn nhẹ trước khi tiêm, không để bụng đói.

4.Nếu bé đang bị ho, sổ mũi thì có thể tiêm ngừa được không?

Việc tiêm ngừa vắc xin nên được thực hiện càng sớm càng tốt cho trẻ. Các triệu chứng ho/ sổ mũi thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Bé nên đến các Trung tâm để Bác sĩ thăm khám và đưa ra quyết định có nên tiêm vắc xin không.

5. Khi nào con không nên đi tiêm?

Khi sức khỏe của trẻ không đảm bảo hoặc đang mắc các vấn đề như cảm lạnh, sốt, chàm, phát ban, vàng da,…. mẹ không nên đưa con đi tiêm chủng.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Bản chất của tiêm chủng là sử dụng vắc-xin kích thích cơ thể sinh kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh truyền nhiễm nào đó.

1. Bệnh dại

Dại là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại lây qua niêm mạc hoặc vết thương do động vật bệnh dại cắn gây ra. Bệnh nhân mắc bệnh thường biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, hay kích động, lên cơn co giật rồi nhanh chóng tử vong.Tiêm phòng vắc-xin dại là cách tốt nhất tránh bệnh dại khi nghi bị con vật dại cắn. Những đối tượng có nguy cơ cao do tính chất công việc cũng có thể tiêm ngừa dại chủ động.

2. Bệnh uốn ván

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua các vết thương ngoài da gây ra. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt khó, cứng hàm, sặc, cứng cơ lưng, cơ gáy, co giật. Uốn ván có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thời gian điều trị dài, chi phí cao và nguy cơ tử vong lớn. Phòng bệnh bằng tiêm ngừa vắc xin uốn ván là hiệu quả nhất.

3. Viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là bệnh do siêu vi trùng gây ra. Siêu vi trùng làm tổn thương gan âm thầm, biểu hiện rất ít với sốt, vàng da, vàng mắt. Bệnh nhân nếu có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ tự chống lại virus và vượt qua, nhưng nếu không, bệnh dần tiến triển đến xơ gan, ung thư gan. Cách phòng viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc xin viêm gan B.

4. Bệnh sởi

Sởi là bệnh do siêu vi trùng gây ra, với các triệu chứng như: Sốt, phát ban toàn thân, ho, sổ mũi nước và mắt đỏ. Dấu hiệu phân biệt sởi với các ban khác là khởi đầu ở sau tai, rồi lên mặt, xuống cổ, bụng, lưng và tay, chân. Ban lặn sẽ để lại vết thâm trên da.

Sởi là bệnh rất phổ biến ở nước ta, nên được khuyến cáo tiêm vắc-xin sởi phòng bệnh từ khi trẻ 9 tháng tuổi, nhắc lại một mũi nữa khi trẻ 18 tháng. Ngoài ra vắc-xin sởi còn được kết hợp trong vắc-xin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

5. Bệnh quai bị

Quai bị là bệnh do virus gây ra, lây nhiễm qua đường hô hấp. Quai bị gây các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, tuyến nước bọt, tuyến mang tai, tuyến dưới hàm sưng to. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim và vô sinh ở bé trai. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, có thể phòng ngừa quai bị bằng cách tiêm phòng, vắc-xin được sử dụng là vắc-xin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

6. Bệnh rubella

Rubella gây các triệu chứng như sốt và phát ban toàn thân, thường bệnh không gây nguy hiểm và biến chứng nặng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ. Hiện nay, có thể phòng ngừa rubella bằng cách tiêm phòng, vắc-xin được sử dụng là vắc-xin 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Phụ nữ tránh mang thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.

7. Bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra với vật truyền trung gian là muỗi. Trẻ mắc bệnh khởi phát là sốt đột ngột, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Sau 3-4 ngày, người bệnh có thể co giật, lơ mơ, hôn mê và tử vong. Tỉ lệ tử vong là khoảng 20% số trường hợp. Tiêm chủng vẫn là cách phòng viêm não Nhật Bản quan trọng nhất. Vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản được bắt đầu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.

8. Bệnh thủy đậu

Thuỷ đậu (Trái rạ) là bệnh do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, thường gặp ở trẻ em, gây sốt phát ban và có bóng nước toàn thân. Thủy đậu rất dễ lây lan, nhất là ở môi trường đông đúc như mẫu giáo, nhà trẻ, trường học. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm não, viêm tủy cắt ngang. Hiện nay chúng ta có thể tiêm phòng vắc xin thuỷ đậu cho trẻ từ 12 tháng trở lên.

9. Cúm

Cúm là bệnh do virus Influenza gây ra, gặp ở tất cả các đối tượng. Bệnh lây qua đường hô hấp, gây tình trạng sốt, ho, đau đầu, đau họng, đau cơ. Hiện nay đã có thể ngừa cúm bằng cách tiêm vắc-xin hàng năm và có thể bắt đầu tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

10. Viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não cũng là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu các tuýp A, B, C, Y và W135 gây ra. Vi khuẩn này lây truyền từ người sang người qua dịch cơ thể tiếp xúc khi ho, hắt hơi. Bệnh gây sốt li bì, mê sảng, hôn mê và co giật, tỉ lệ tử vong ở trẻ khoảng 50%. Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu chủng B và C (VA-Mengoc BC, sản xuất tại Cuba) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

11. Bệnh thương hàn

Thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Samonella lây qua đường tiêu hóa do thực phẩm, nước uống mang mầm bệnh. Bệnh có triệu chứng sốt cao, li bì, tiêu lỏng, bụng chướng. Xuất huyết tiêu hóa và thủng ruột là hai biến chứng thường gặp có thể gây tử vong ở những trường hợp điều trị muộn hoặc không được điều trị. Phương pháp phòng bệnh Thương hàn đặc hiệu, chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin cho trẻ từ 2 tuổi.

12. Bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Gây nhiễm trùng mũi họng và dẫn đến tử vong. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng sớm là viêm họng, chán ăn, sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày sẽ xuất hiện giả mạc trắng ở họng và lưỡi (tính chất dai, dính, dễ chảy máu khi bóc). Có thể tử vong trong vòng 6-20 ngày. Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắc-xin bạch hầu. Hiện nay vắc-xin bạch hầu thường phối hợp trong vắc-xin 6 trong 1, 5 trong 1, phòng ngừa bạch hầu và các bệnh lý khác gồm ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib có thể tiêm ngừa cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

13. Ho gà

Bệnh ho gà là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn co trong miệng, mũi và họng gây ra. Trẻ mắc bệnh này thường ho kéo dài 4 đến 8 tuần. Viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất và dễ gây tử vong. Vắc-xin phòng bệnh ho gà, thường là dạng kết hợp với vắc-xin bạch hầu, uốn ván (DPT). Hiện nay, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng vắc-xin phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và có thể có thêm bại liệt.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


1. Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cúm khi mang thai

Bệnh cúm không chỉ biểu hiện cảm lạnh thông thường, mà nó còn xảy ra đột ngột kèm theo nhiều triệu chứng khác, bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ho và đau họng. Cúm có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, ví dụ như viêm phổi.

Một số biến chứng của cúm có thể đe dọa đến tính mạng, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé trong thời kỳ mang thai. Do đó, tiêm vaccine Cúm khi mang thai là việc cần thiết đối với tất cả những ai đang sắp sửa làm mẹ.

2. Đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm

Một số nhóm đối tượng sau đây nếu bị cúm sẽ có nhiều khả năng xảy ra biến chứng nguy hiểm:

  • Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Những người mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh tim hoặc ung thư
  • Phụ nữ mang thai.

Mẹ bầu bị cúm có thể ảnh hưởng đến con mình. Vì vậy, trước khi quyết định có con thì chị em phụ nữ nên thực hiện tiêm ngừa cúm để phòng ngừa bệnh xảy ra.

3. Tại sao mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng do cúm?

Trong giai đoạn mang thai, hệ thống miễn dịch thường xuất hiện nhiều thay đổi khác nhau. Đây là sinh lý bình thường của cơ thể nhưng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng do cúm.

Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ cao hơn khi bị cúm, chẳng hạn như chuyển dạ sớm và sinh non. Khả năng cao mẹ bầu phải nhập viện điều trị nếu bị cúm trong khi mang thai. Lúc đó, nguy cơ tử vong do cúm cũng tăng cao. Để hạn chế tình trạng này, chị em nên đến các trung tâm y tế để được tiêm vaccine cúm khi đang mang thai.

4. Tiêm vắc xin cúm cho bà bầu nên thực hiện vào tháng thứ mấy?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến khích tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Tiêm vaccine cúm khi đang mang thai tốt nhất nên thực hiện sớm trước khi vào mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) và ngay khi nguồn vắc xin đã có sẵn.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tiêm ngừa cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Nếu bạn không được tiêm phòng sớm trước mùa cúm, bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong và sau mùa dịch. Trong trường hợp đang mắc phải một bệnh lý khác làm tăng thêm nguy cơ xảy ra biến chứng cúm, chẳng hạn như bệnh hen suyễn hoặc bệnh tim, mẹ bầu nên cân nhắc tiêm trước khi mùa dịch bắt đầu.

7. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có giúp ích cho thai nhi?

Tiêm vắc xin cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả bạn và thai nhi. Mặt khác, em bé sau sinh không thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi bạn thực hiện tiêm phòng cúm khi mang thai, các kháng thể được tạo ra trong cơ thể của mẹ sẽ được truyền sang thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể chủng ngừa cúm lần đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.

8. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có tác dụng phụ không?

Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine cúm là rất nhẹ, chẳng hạn như đau cánh tay hoặc sốt nhẹ, và thường biến mất chỉ trong một hoặc hai ngày. Tác dụng phụ và phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp.

CDC đang theo dõi các tác dụng không mong muốn và phản ứng phụ có thể xảy ra đối với tất cả các loại vắc-xin được phê duyệt và lưu hành tại Hoa Kỳ. Khi nhận được vắc-xin, bạn sẽ nhận được cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả các tác dụng phụ có thể có. Nếu bạn muốn tiêm vắc xin cúm khi mang thai nhưng còn lo lắng xảy ra các tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để được tư vấn tốt nhất.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Có thai luôn là một trải nghiệm ý nghĩa của mỗi cặp vợ chồng, đó là một hành trình đầy niềm vui nhưng cũng không thiếu những lo lắng suy tư. Một trong những lo lắng đó là nên tiêm loại vắc xin nào trong thai kỳ để bảo vệ mẹ và con tốt nhất. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin khi có thai là rất cần thiết. Những kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vắc xin không những bảo vệ người mẹ mà còn thông qua bánh nhau bảo vệ cho thai nhi khỏi những bệnh nguy hiểm trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, không phải loại vắc xin nào cũng cần và nên tiêm trong quá trình mang thai.

Những loại vắc xin nào cần được tiêm cho mẹ bầu?

  • Vắc xin Tdap: được tiêm cho phụ nữ mang thai để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà. Loại vắc xin này cần được tiêm một liều trong mỗi lẫn mang thai và có thể tiêm ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng tốt nhất là khi thai được 27 đến 36 tuần.
  • Vắc xin cúm: được tiêm nhằm bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ viêm phổi, giảm thiểu nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. Thời điểm tiêm vắc xin cúm có thể linh hoạt ở bất cứ tuổi thai nào, khuyến cáo tốt nhất là từ đầu quý 3 thai kỳ – tức là từ tuần thứ 28. Số lượng mũi tiêm mỗi lần mang thai là 1 mũi.
  • Vắc xin COVID-19: Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiêm ngừa COVID-19 trong thời kỳ mang thai là an toàn và hiệu quả. Tại Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm phòng COVID -19 cho phụ nữ mang thai từ tuần thai thứ 13. Những người mang thai nên tiêm đầy đủ và đúng hạn vắc xin COVID-19, bao gồm cả mũi nhắc lại ngừa COVID-19 khi đến thời điểm tiêm.

Những loại vắc xin nào cần cân nhắc tiêm trong thai kỳ?

Ngoài những loại vắc xin cần thiết, mẹ bầu cũng có thể trao đổi cùng bác sĩ Sản khoa để cân nhắc tiêm thêm một số loại vắc xin sau, tùy theo mức độ nguy cơ nhiễm bệnh và nhu cầu tiêm.

  • Vắc xin Viêm gan A: thai phụ sẽ được tư vấn tiêm khi có các yếu tố nguy cơ viêm gan A. Ví dụ như đang có bệnh gan mạn tính hoặc sống cùng người bệnh viêm gan A. Vắc xin sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau từ 6 đến 18 tháng.
  • Vắc xin Viêm gan B: thai phụ sẽ được tư vấn tiêm khi có các yếu tố nguy cơ như thai phụ là nhân viên y tế. Vắc xin này sẽ được tiêm 3 mũi.
  • Vắc xin Viêm màng não mô cầu: thai phụ sẽ được tư vấn tiêm khi có các yếu tố nguy cơ như rối loạn chức năng lách, sống trong khu tập thể (doanh trại quân đội, ký túc xá,…) hoặc thai phụ dưới 23 tuổi.
  • Vắc xin Phế cầu: thai phụ sẽ được tư vấn tiêm khi có các yếu tố nguy cơ như có bệnh thận, đái tháo đường type 1 hoặc type 2.
  • Vắc xin Viêm màng não mủ: thai phụ sẽ được tư vấn tiêm khi có các yếu tố nguy cơ như rối loạn chức năng lách.

    Thai phụ không nên tiêm những loại vaccine nào?

    Bên cạnh những loại vắc xin có thể tiêm, mẹ bầu và gia đình cần lưu ý một số loại vắc xin không nên tiêm trong khi đang mang thai như:

  • Vắc xin HPV: ngừa ung thư cổ tử cung
  • Vắc xin MMR: ngừa sởi, quai bị, rubella
  • Vắc xin Varicellar (chickenpox): ngừa thủy đậu.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Dịch bệnh gia tăng.

Theo Bộ Y tế, vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam; sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt… là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.

Hơn nữa, hiện nay, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch.

Theo phân tích của các chuyên gia, thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Một số trường hợp, cảm lạnh và cúm có thể dẫn đến viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị. Đặc biệt, đồng nhiễm cúm và Covid-19 ngay lúc này là vô cùng nguy hiểm, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng lâu dài hơn đối với các cơ quan, hệ thống trong cơ thể, gây tổn thương phổi nhiều hơn và gây suy hô hấp nặng hơn.

Theo Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4, TP ghi nhận gần 4.500 ca mắc Sốt xuất huyết Dengue, trong đó, có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc Sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê.

Không chỉ sốt xuất huyết, các các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có khả năng bùng phát và lây lan diện rộng. Đây là những bệnh lây truyền qua vector có liên quan tới các đặc trưng khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, cường độ gió…

Biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu Quốc gia (Bộ TN&MT), nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, thân kinh, cơ xương khớp, hô hấp, dị ứng, hen suyễn, xoang.

Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu từ năm 2016 cho thấy, nhiệt độ không khí tăng và lượng mưa thay đổi sẽ khiến nhóm bệnh lây truyền qua vector diễn biến phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Nhóm bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa gia tăng các ca bệnh tả, lỵ. Trong khi đó, nhóm bệnh khác như cao huyết áp, say nắng/say nóng, tâm thần, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, bệnh đường hô hấp, đột quỵ, tai biến do sóng nhiệt hoặc rét đậm sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Một nghiên cứu khác do Chương trình GEMMES Việt Nam thực hiện dựa trên dữ liệu 28 loại bệnh của các tỉnh trong năm 2009–2018 từ bộ Y tế. Kết quả cho thấy, nhiệt độ và tốc độ gió ảnh hưởng đến ba loại bệnh truyền nhiễm chính, bao gồm: lây truyền qua cơ chế lan truyền véc tơ (bởi virus, vi khuẩn..), đường không khí và đường nước cho tất cả các tỉnh của Việt Nam. Vùng lạnh sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nếu nhiệt độ tăng cao. Ngược lại, nơi nóng sẽ có tác động dịch bệnh cao hơn nếu nhiệt độ khu vực giảm xuống. Sự gia tăng nắng nóng tác động đến tỷ lệ tử vong, mức độ tác động sẽ càng mạnh hơn khi nắng nóng kéo dài.

Tăng cường các giải pháp phòng chống.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đã gửi Công văn đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.

Trong đó, chú trọng tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt. Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín. hực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng…

Bộ Y tế cũng đề nghị, Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Các địa phương phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Chủ động chuẩn bị đủ kinh phi để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng.


Phế cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh lý về đường hô hấp mà chủ yếu là ở trẻ nhỏ, có khả năng lây lan nhanh và ảnh hưởng đến sức khỏe nên việc phòng bệnh là thực sự cần thiết.

1. Phế cầu khuẩn là gì?

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Chúng thường khu trú trong các khoang mũi họng của người mà không gây ra bệnh. Khi cơ thể xảy ra các vấn đề bất thường về sức khỏe như suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện… sẽ tạo điều kiện cho phế cầu phát triển gây nên bệnh.

Bệnh do phế cầu gây ra sẽ lây lan thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc, va chạm với người bị bệnh qua các hành động như hắt hơi, ho, hôn hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân.

2. Một số bệnh lý nghiêm trọng do phế cầu gây ra.

Viêm phổi:

● Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phổi ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Viêm phổi là một bệnh viêm nhiễm trùng tại phổi, làm cho các túi khí ở một bên hoặc hai bên phổi bị tổn thương và viêm, bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

● Biểu hiện lâm sàng:

+ Sốt cao kèm theo rét run hoặc giảm thân nhiệt ở người có hệ miễn dịch yếu.

+ Đau ngực kèm theo khó thở.

+ Ho có đờm hoặc máu.

Viêm màng não ở trẻ em và người già:

● Trong tất cả những bệnh gây ra bởi phế cầu thì viêm màng não là bệnh khó phát hiện nhất và để lại nhiều di chứng nặng nề. Bệnh được biểu hiện với 2 triệu chứng chính là đau đầu và nôn ói nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác.

● Biểu hiện:

+ Đau nhức đầu dữ dội

+ Nôn mửa

+ Sốt, ớn lạnh

+ Cứng cổ

+ Thở nhanh, nhạy cảm với ánh sáng

+ Tinh thần không tỉnh táo.

Viêm tai giữa:

● Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ với tỉ lệ khá cao 80%, nguyên nhân chính là do các bệnh lý đường hô hấp trên không được điều trị dứt điểm hoặc điều trị không đúng cách mà dẫn tới viêm tai giữa.

+ Đối với trẻ nhỏ thường là các triệu chứng như sốt cao, quấy khóc, bỏ bú và có phản xạ dụi tai, tiêu chảy,…

+ Đối với trẻ lớn và người lớn thường là kêu đau vùng tai, sốt, gặp vấn đề về thính giác. Cáu gắt, buồn nôn và có dịch chảy từ tai ra ngoài.

Ngoài 4 bệnh lý trên, phế cầu khuẩn còn gây ra các bệnh lý viêm khác như viêm xoang cấp tính, viêm kết mạc, viêm tủy xương, viêm màng ngoài tim, viêm mô tế bào hay nặng thì bị áp xe não…

Nhiễm trùng huyết ở người HIV:

● Những bệnh nhân bị HIV là những người có hệ miễn dịch bị suy yếu vì vậy họ dễ bị mắc nhiều bệnh lý khác nhau hơn những người bình thường khác, trong đó có nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn. Nhiễm trùng huyết là khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nên các triệu chứng sau:

+ Sốt, rét run

+ Đau đầu, bứt rứt

+ Tinh thần lơ mơ, ngủ gà

+ Có thể sốc nhiễm khuẩn gây tử vong cao.

3. Lời khuyên của bác sĩ.

Với mức độ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người thì việc phòng bệnh là một cách để giảm thiểu các tỉ lệ tử vong đáng tiếc, cũng như là giảm thiểu các chi phí và thời gian chữa bệnh.

Để phòng bệnh ngoài các biện pháp như: giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng, tăng cường sức đề kháng (cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời,..) thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được coi là biện pháp tối ưu nhất.

Chủng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin phế cầu sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh phế cầu khuẩn, được WHO khuyến khích đưa vào chương trình tiêm ngừa quốc gia. Với mức độ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người thì việc phòng bệnh phế cầu khuẩn là một cách để giảm thiểu các tỉ lệ tử vong đáng tiếc, cũng như là giảm thiểu các chi phí và thời gian chữa bệnh.

Trẻ từ 5 tuần tuổi đến 5 tuổi được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin để phòng các bệnh do Phế cầu khuẩn gây ra. Tiêm vắc-xin được xem là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ được bảo vệ khỏi phế cầu nhằm giảm thiểu các tai biến cũng như giảm thiểu chi phí và việc sử dụng kháng sinh bừa bãi (một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay). Tùy theo độ tuổi, số lượng mũi tiêm sẽ khác nhau tùy từng trường hợp.

 

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc - Hạnh Phuc Vaccine Center

CN1: 25 Đinh Tiên Hoàng, P2, Bảo Lộc, Lâm Đồng
CN2: 305 Hùng Vương, Di Linh, Lâm Đồng
Hotline: 026.33.726.999
Email: hpvc.contact@gmail.com
Website: hpvc.vn

Copyright by Hanh Phuc Vaccine Center 2021. All rights reserved.