Để phòng ngừa một số bệnh, tiêm phòng vắc xin là điều tất yếu và cần thiết, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thực tế có thể xảy ra tình trạng phản ứng phản vệ sau tiêm chủng nhất là ở trẻ em.

1. Nguyên nhân gây phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng

“Phản vệ” là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Các chất hóa học được giải phóng ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể lúc này có thể đẩy bệnh nhân vào tình trạng phản ứng phản vệ.

Trong cơ thể người có hệ miễn dịch có vai trò sản xuất ra các loại kháng thể đặc hiệu để chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Đây là một phản ứng có ích khi tác nhân đó có hại cho cơ thể. Song có một số người có hệ miễn dịch phản ứng một cách thái quá với cả những chất vô hại, gây ra tình trạng nguy hiểm cho cơ thể.

Phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng là do phản ứng dị ứng của trẻ với các thành phần của vắc xin như:

  • Vắc xin được nuôi cấy trong môi trường protein từ trứng
  • Men bia rượu
  • Gelatine
  • Kháng sinh
  • Các chất bảo quản, cố định
  • Các thành phần nhiễm bẩn như latex

Trong đó các protein trứng, latex và gelatine là những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra các phản ứng dị ứng tức thì.

2. Triệu chứng phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng

Các triệu chứng phản ứng phản vệ sau tiêm chủng ở trẻ em thường xảy ra trong vòng 4 giờ sau khi tiêm vắc xin. Trẻ được chẩn đoán nghi ngờ phản ứng phản vệ khi có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng trên da như: mày đay, phù Quincke (phù mạch), ban giãn mạch và ngứa.
  • Các triệu chứng trên đường hô hấp: ngạt mũi, chảy nước mũi, xung huyết niêm mạc mũi, tiếng thở rít do phù nề vùng hầu họng, thanh quản. Hoặc các triệu chứng ở đường hô hấp dưới như: thở rít, khò khè, tức ngực, thở nông và nặng nhất là suy hô hấp.
  • Các triệu chứng tim mạch: da tái nhợt, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nặng hơn có thể gây ngừng tim.
  • Các triệu chứng dạ dày, ruột: đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, nặng hơn có thể dẫn tới đại tiểu tiện không tự chủ.

Sau khi đi tiêm chủng về, nếu thấy trẻ có một trong các triệu chứng trên, phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

3. Điều trị phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng

Khi phát hiện trẻ bị phản ứng phản vệ, cần phải tiến hành hồi sức tim phổi nếu trẻ bị ngừng thở hoặc tim ngừng đập. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị phản ứng phản vệ ở trẻ em sau tiêm chủng đó là:

  • Thuốc Epinephrine (Adrenaline) có tác dụng làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể. Trong trường hợp phát hiện trẻ bị phản ứng phản vệ ngay tại cơ sở tiêm chủng, cần đặt trẻ nằm nghiêng sang trái, cần tiêm ngay một mũi Adrenaline với liều 0,01mg/kg cân nặng vào bắp thịt. Nếu sau đó trẻ không cải thiện, cần tiêm nhắc lại sau 10 phút.
  • Thở oxy để hỗ trợ tình trạng suy hô hấp.
  • Sử dụng thuốc kháng histamine và corticoid tiêm tĩnh mạch để giảm viêm, phù nề đường thở và cải thiện hô hấp.
  • Các thuốc chủ vận beta như Albuterol nhằm cải thiện các triệu chứng hô hấp.

Tỷ lệ phản ứng phản vệ khi tiêm vacxin ở trẻ em là rất hiếm, chỉ khoảng 1/1.000.000. Song mọi người cũng cần phải biết các triệu chứng nhận biết cũng như cách xử trí khi gặp phải trường hợp này. Bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng khi bị phản ứng phản vệ sau tiêm chủng.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc - Hạnh Phuc Vaccine Center

CN1: 25 Đinh Tiên Hoàng, P2, Bảo Lộc, Lâm Đồng
CN2: 305 Hùng Vương, Di Linh, Lâm Đồng
Hotline: 026.33.726.999
Email: hpvc.contact@gmail.com
Website: hpvc.vn

Copyright by Hanh Phuc Vaccine Center 2021. All rights reserved.