Chiều 27/10, Sở Y tế Bắc Kạn bước đầu xác định đợt dịch cúm B đang xảy ra trên địa bàn, nhưng không loại trừ bệnh khác như adenovirus, sau khi ghi nhận gần 700 học sinh bị sốt.

“Tuy nhiên hiện chưa thể kết luận tất cả học sinh Chợ Đồn nhiễm cúm B, Sở tiếp tục theo dõi các bệnh dịch khác và có phản hồi sớm”, ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, cho biết.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 70 trẻ, trong đó có 42 bé dưới 5 tuổi, 23 bé 6-10 tuổi, trên 10 tuổi có 5 cháu. Hầu hết trẻ sốt cao, đau họng, mệt mỏi, không tức ngực, phác đồ điều trị là uống thuốc hạ sốt, bù dịch, nâng cao thể trạng. Không có trường hợp nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh lấy 7 mẫu bệnh phẩm gồm ba mẫu tại Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, 4 mẫu tại Trạm Y tế là học sinh trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng) chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 26/10 để xét nghiệm. Kết quả 5 mẫu dương tính cúm B, hai mẫu âm tính.

Căn cứ kết quả xét nghiệm này, Sở Y tế xác định ban đầu đây là đợt dịch cúm B, thường xảy ra tại thời điểm mùa thu – đông. Bà Mai Thị Thúy, Phó Giám đốc CDC Bắc Kạn, cho biết đợt cúm này có một trẻ tử vong nên người dân hoang mang. Thực tế mọi năm, từ khoảng tháng 9 cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm, riêng năm nay thì số ca tăng nhiều hơn. “Thời điểm này năm ngoái ghi nhận khoảng 400 ca, nhưng năm nay tăng gấp đôi”, bà Mai nói.

Cán bộ y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhi tại khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn Ảnh: CDC Bắc Kạn

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn khám, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhi tại khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Ảnh: CDC Bắc Kạn cung cấp

Ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn như thiếu vật tư, hóa chất… ảnh hưởng đến phòng chống dịch. Do đó, Sở Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh biện pháp phòng chống, giảm lây lan trong cộng đồng, đồng thời kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cử chuyên gia hỗ trợ giám sát, điều tra dịch tễ và bổ sung một số vật tư, hóa chất.

Bác sĩ Nông Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, cho biết đang triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lan rộng; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân. CDC tiếp tục điều tra dịch tễ để loại trừ các dịch bệnh khác như adenovirus hoặc các biến chủng khác của cúm.

Điều tra dịch tễ cho thấy các ổ dịch xuất hiện rải rác ở tất cả xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10, đặc biệt tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Ca đầu tiên là bé gái 6 tuổi, ngụ Đồng Thắng, nhập viện ngày 14/10 với biểu hiện lâm sàng sốt cao, ho, chảy nước mũi, không khó thở. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân xuất viện.

Đến sáng 24/10, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi sốt 40,5 độ C, hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn, tử vong. Khai thác bệnh sử cho thấy bé ốm sốt hai ngày, không tiếp xúc với gia cầm, đến phòng khám tư truyền dịch nhưng không bớt.

Chiều hôm sau, trung tâm tiếp nhận thêm 12 bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau họng, chủ yếu là học sinh các trường tiểu học, mầm non. Tại các trạm y tế xã trong huyện, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao cũng tăng lên hàng ngày. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn ghi nhận tính đến ngày 25/10 có 736 trong số hơn 10.000 học sinh nghỉ học, trong đó gần 700 em ốm, sốt. Các trường có nhiều học sinh nghỉ do ốm, sốt là Tiểu học thị trấn Bằng Lũng với 70 em, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện có 31 em.

Các bác sĩ khuyến cáo, cúm là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng vẫn biến chứng nặng nếu không được phát hiện, giám sát, tư vấn kịp thời. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên theo dõi, nếu trẻ sốt, có dấu hiệu bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc, điều trị.

Cúm B do virus lành tính gây ra, lây qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ một đến ba ngày và diễn biến bệnh từ ba đến 5 ngày. Bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người hệ miễn dịch yếu. Biến chứng nặng nhất là suy hô hấp, biểu hiện rõ nhất là khi người mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn, kèm triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu.

Gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay, như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều… Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tích trữ thuốc tại nhà.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng


Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Dưới đây là cách phân biệt cảm lạnh và cảm cúm mà bạn cần biết.

1. NGUYÊN NHÂN GÂY RA CẢM LẠNH VÀ CÚM

Cảm cúm là do một số virus cúm gây ra. Trong khi có hơn 200 loại virus có thể gây ra cảm lạnh, hầu hết gây ra các triệu chứng giống nhau.

Trung bình một người có thể bị cảm từ 1-3 lần mỗi năm. Tuy nhiên một số đối tượng dễ mắc bệnh hơn và khi mắc bệnh dễ gặp biến chứng hơn, bao gồm:

– Người lớn trên 65 tuổi;

– Trẻ em dưới 6 tuổi;

– Người bị suy giảm hệ miễn dịch;

– Người hút nhiều thuốc lá;

– Phụ nữ trong thai kỳ.

Mặc dù virus cúm tồn tại quanh năm nhưng cảm cúm thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Trong khi cảm lạnh thường phát triển vào mùa lạnh là mùa đông và mùa xuân.

2. TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT CẢM LẠNH VÀ CÚM

Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện trong 1-3 ngày sau khi nhiễm virus. Dấu hiệu ban đầu thường gặp là mệt mỏi, hắt hơi và đau họng. Khi các triệu chứng sổ mũi xuất hiện, nước mũi tiết ra chất nhầy trong suốt, sau đó dịch tiết có thể chuyển sang màu trắng, vàng hoặc xanh. Một số triệu chứng của cảm lạnh có thể bao gồm:

– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;

– Hắt xì;

– Đau họng;

– Ho khan;

– Chảy nước mắt;

– Hiếm có trường hợp sốt.

Các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm có thể giống nhau. Nhưng nếu cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần, thì các triệu chứng của cảm cúm thường nặng hơn, đến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Một số triệu chứng của cảm cúm bao gồm:

– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;

– Đau họng;

– Ho khan;

– Mệt mỏi;

– Đau nhức cơ và cơ thể;

– Chảy nước mắt;

– Có thể nhức hốc mắt;

– Nhức đầu;

– Nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em);

– Sốt (nhưng không phải ai bị cảm cúm cũng sốt).

3. Thời gian nhiễm bệnh cảm lạnh và cúm

Thời gian nhiễm bệnh cảm lạnh hoặc cúm tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thông thường cảm lạnh không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và sẽ tự khỏi trong vòng 4-10 ngày. Nhưng cũng có trường hợp ho kéo dài sang tuần thứ hai.Trong khi đó, cảm cúm thường kéo dài hơn từ một tuần đến vài tuần. Đôi khi tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon và ho khan vẫn có thể kéo dài sáu đến tám tuần sau đó.

Đa phần các trường hợp bị cảm lạnh và cảm cúm không nguy hiểm. Nhưng một vài trường hợp có thể bị các biến chứng về đường hô hấp, thường gặp hơn ở cảm cúm. Một số biến chứng liên quan đến nhiễm trùng thứ phát hoặc nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang hoặc tai. Cảm lạnh và cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh mạn tính đang mắc phải, ví dụ như hen suyễn. Bạn cần đi khám ngay khi có các triệu chứng dưới đây:

– Khó thở hoặc thở gấp;

– Môi đổi màu tím hoặc xanh;

– Đau tai;

– Đau dai dẳng hoặc có áp lực ở ngực hoặc bụng;

– Lú lẫn, chóng mặt, bất tỉnh;

– Co giật;

– Đau cơ nghiêm trọng;

– Suy nhược cơ thể nghiêm trọng;

– Sốt hoặc ho đã gần khỏi nhưng bị trở lại và trầm trọng hơn, có thể ho ra máu;

– Nôn mửa dữ dội.

4. ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA CẢM LẠNH VÀ CẢM CÚM


Tiêm vắc xin cúm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh cúm

Hầu hết phương pháp điều trị được đưa ra cho cảm lạnh và cảm cúm là kê thuốc làm dịu các cơn đau đầu, đau họng và ho, làm thông mũi và xoang. Nhiều người lựa chọn kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cảm cúm ngay từ đầu. Nhưng thực tế kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, trong khi cảm lạnh và cảm cúm là do virus gây ra.

Khi bị cảm lạnh và cảm cúm, người bệnh thường được khuyên:

– Giữ ấm cơ thể;

– Giữ phòng ở ấm áp và có độ ẩm;

– Uống nhiều nước hoặc nước trái cây;

– Làm dịu cổ họng bằng cách xúc nước muối hoặc uống trà chanh mật ong;

– Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi;

– Ăn thức ăn ấm;

– Ngủ nhiều hơn;

– Tránh uống rượu, sử dụng cafein và thuốc lá;

– Hạn chế đi đến những nơi công cộng để tránh làm lây lan virus;

– Luôn sử dụng khăn giấy và rửa sạch tay sau khi hắt hơi.

Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh về đường hô hấp do virus gây ra nên cách phòng ngừa giống nhau. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.

Để ngăn ngừa cảm cúm, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm vaccine phòng cúm hằng năm. Phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai cũng nên tiêm vaccine. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm. Cảm lạnh không có vaccine nên việc phòng ngừa tập trung vào giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với người bệnh. Tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Nhìn chung, cảm lạnh có xu hướng nhẹ hơn và nhanh khỏi, trong khi cảm cúm có các triệu chứng nặng hơn, thời gian khỏi bệnh lâu hơn và có nhiều khả năng gây ra  biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc tai.

Trước đây, sổ mũi và đau họng là biểu hiện của cảm lạnh và cúm. Nhưng hiện nay nó còn là biểu hiện khi nhiễm virus Covid-19. Vì vậy nếu bạn có biểu hiện đau họng và sốt, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc - Hạnh Phuc Vaccine Center

CN1: 25 Đinh Tiên Hoàng, P2, Bảo Lộc, Lâm Đồng
CN2: 305 Hùng Vương, Di Linh, Lâm Đồng
Hotline: 026.33.726.999
Email: hpvc.contact@gmail.com
Website: hpvc.vn

Copyright by Hanh Phuc Vaccine Center 2021. All rights reserved.