Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột, trong đó bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Tổ chức  Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 24/3 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống lao. Tại Việt Nam, chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng.  Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cung cấp một số điều cần biết về căn bệnh này để cộng đồng có thể hiểu hơn về bệnh lao và góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh này.
 
Hình ảnh minh hoạ

Triệu chứng bệnh lao phổi
Người bị mắc bệnh lao phổi thường có những triệu chứng điển hình gồm:

– Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)
– Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở
– Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc
– Đổ mồ hôi trộm về đêm
– Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều
– Chán ăn, gầy sút

Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người có nguy cơ mắc bệnh lao phổi
– Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư…
– Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em.
– Người mắc các bệnh mạn tính như loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn…
– Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá.
– Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…

Đường lây truyền bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi hoặc chất thải có chứa vi khuẩn lao như: đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi… hay dùng chung đồ với người bệnh lao như khăn mặt, chậu, bát đũa… Ngoài ra, người sống trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh hoặc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao.

Cách phòng ngừa bệnh lao phổi
Để phòng nhiễm bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ra cộng đồng cần thực hiện:

Với người chưa bị bệnh:
– Tiêm phòng bệnh lao: Tiêm vắc xin BCG (vắc xin phòng bệnh lao) cho trẻ ngay tháng đầu sau khi sinh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
– Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.

Với người bệnh lao phổi 
Người bệnh phải đeo khẩu trang. Khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định. Đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được xử lý đúng phương pháp. Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh vì vi khuẩn sẽ bị chết dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng trong môi trường ẩm thấp, thiếu ánh nắng, vi khuẩn sẽ tồn tại rất lâu.

Phương pháp điều trị bệnh lao
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn, vì vậy người mắc bệnh lao không cần quá lo lắng về bệnh. Người mắc bệnh lao sẽ được điều trị thuốc chống lao từ 6 đến 12 tháng, chia thành 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn tấn công: Kéo dài 2 tháng;
+ Giai đoạn duy trì: Kéo dài 4 tháng đến 10 tháng.

Người bệnh cần chú ý dùng thuốc điều trị bệnh lao đều đặn, uống 1 lần vào buổi sáng sau ăn 2 giờ. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng trong quá trình điều trị lao.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc – Hạnh Phúc Vaccine Center là trung tâm cung cấp các dịch vụ tiêm phòng tại Lâm Đồng cho trẻ em và người lớn với đa dạng các loại vaccine phòng bệnh theo tiêu chuẩn. Đến với HPVC, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng

Trung tâm tiêm chủng vắc xin Hạnh Phúc - Hạnh Phuc Vaccine Center

CN1: 25 Đinh Tiên Hoàng, P2, Bảo Lộc, Lâm Đồng
CN2: 305 Hùng Vương, Di Linh, Lâm Đồng
Hotline: 026.33.726.999
Email: hpvc.contact@gmail.com
Website: hpvc.vn

Copyright by Hanh Phuc Vaccine Center 2021. All rights reserved.