BỆNH BẠCH HẦU Ở TRẺ EM: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Bệnh bạch hầu ở trẻ em là gì?
Bệnh bạch hầu ở trẻ em (Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu với các triệu chứng điển hình gồm: sự hình thành giả mạc dày, có màu trắng ngà bám chặt ở vùng hầu họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản và mũi. Một số trường hợp, bệnh gây ảnh hưởng đến da và niêm mạc ở những khu vực khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Bệnh bạch hầu ở trẻ em có xu hướng xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Các tổn thương khi mắc bệnh không chỉ xuất phát từ nhiễm trùng mà còn gây ra bởi độc tính từ vi khuẩn bạch hầu, khiến người bệnh suy hô hấp, suy tuần hoàn, liệt màn khẩu cái, thậm chí là tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ tử vong do bệnh bạch hầu cao, lên đến 20% trong 6 – 10 ngày. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót nhưng trẻ vẫn cần theo dõi và điều trị biến chứng lâu dài.
Từ thế kỷ V – Trước Công Nguyên (TCN), bệnh bạch hầu đã được Hippocrates miêu tả lần đầu tiên. Trong một số tài liệu khác, dịch bạch hầu đã từng xuất hiện tại Syria và Ai Cập cổ đại. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, năm 1883 – 1884, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu được phát hiện và không lâu sau đó, kháng độc tố của loại vi khuẩn này được phát minh.
Nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn còn ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các nhóm có nguy cơ cao bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 50 tuổi, người suy giảm miễn dịch, và những người sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh hoặc không được tiêm chủng đầy đủ.
Nguyên nhân mắc bệnh bạch hầu ở trẻ em
Bệnh bạch hầu ở trẻ em được gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu – một loại vi khuẩn có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae, thuộc họ Corynebacteriaceae. Nghiên cứu cho thấy loại vi khuẩn này có thể tồn tại dưới 3 typ: Gravis, Mitis và Intermedius. Đây là một loại vi khuẩn gram (+), hiếu khí. Khi quan sát dưới kính hiển vi, vi khuẩn có hình dạng thẳng hoặc cong nhẹ, có một hoặc hai đầu phình to (trực khuẩn hình chùy), không di động, không vỏ và không sinh nha tử; kích thước: dài 2-6µm, rộng 0,5-1µm.
Vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae có thể sống được khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể, chịu được không khí khô lạnh và có thể tồn tại trên các bề mặt, đồ vật trong vài ngày đến vài tuần khi được bao quanh bởi chất nhầy; khoảng 30 ngày trên đồ vải; khoảng 20 ngày trong sữa, nước uống; khoảng 2 tuần trên tử thi.
Tuy nhiên, vi khuẩn này nhạy cảm với một số yếu tố như ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao và các chất khử trùng. Vi khuẩn có thể bị tiêu diệt trong vài giờ dưới ánh sáng mặt trời; trong khoảng 10 phút khi môi trường có nhiệt độ 58 độ C và khoảng 1 phút khi tiếp xúc với phenol 1% hoặc cồn 60 độ.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh bạch hầu ở trẻ em phụ thuộc vào khả năng sản sinh và tiết ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu khi nhiễm phải một loại virus mang gen mã hóa tạo độc tố mạnh. Ngoại độc tố này gây ức chế tổng hợp protein, phá hủy mô và hình thành giả mạc dày, dai, có màu trắng ngà/trắng xám.
Giả mạc thường xuất hiện và bám chặt vào vùng hầu họng, tuyến hạch nhân, lưỡi và thanh quản của người bệnh. Bệnh diễn tiến nặng, ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể đi vào máu, phát tán khắp cơ thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm phổi, tổn thương thần kinh, liệt cơ… Ngược lại, nếu trẻ chỉ nhiễm vi khuẩn bạch hầu và không nhiễm phải virus nguy hiểm, vi khuẩn sẽ không sản sinh độc tố; các triệu chứng bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, tương tự như viêm mũi họng thông thường, không tạo giả mạc.
Dấu hiệu bệnh bạch hầu ở trẻ em
Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu từ 2 đến 5 ngày, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng bao gồm suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn, và các vấn đề về nuốt và nói. Bệnh nhi có thể hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
1. Bạch hầu họng
Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, đau họng. Khoảng 2 -3 ngày sau đó, ở vùng vòm họng, amidan xuất hiện giả mạc dày, dai và có màu trắng xanh. Khi bệnh diễn tiến nặng, trẻ có thể có triệu chứng sưng hạch cổ, sưng vùng dưới hàm; tiếp đó là tái xanh, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê.
2. Bạch hầu thanh quản và mũi
Ở trẻ bị bạch hầu thanh quản, giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc khu vực vòm họng lan rộng xuống phía dưới gây tắc nghẽn đường thở, khiến trẻ sốt nhẹ, ho, khàn tiếng. Giả mạc hình thành ở vách ngăn mũi khiến trẻ chảy nước mũi, dịch mũi hôi và đôi khi có máu ở trẻ bị bạch hầu mũi. Trẻ bị bạch hầu thanh quản và mũi thường có biểu hiện khò khè, khó thở, dễ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
3. Bệnh bạch hầu ngoài da
Bạch hầu ngoài da rất hiếm gặp. Khi mắc bệnh, vùng da nhiễm khuẩn sẽ đỏ, đau tương tự các bệnh nhiễm trùng da thông thường khác. Vết loét do bạch hầu gây ra được bao phủ bởi một lớp màng màu xám.
4. Các dấu hiệu bệnh khác
Một số trường hợp trẻ mắc bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), trẻ vừa nhiễm trùng và nhiễm độc nặng, có biểu hiện sốt cao nguy hiểm. Giả mạc trắng ngà lan rộng nhanh chóng. Hạch cổ sưng to có thể gây biến dạng cổ (cổ bạnh).
Bệnh bạch hầu ở trẻ có lây không?
Có. Bệnh bạch hầu ở trẻ em nếu không được phòng ngừa và kiểm soát đúng cách có thể lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch nguy hiểm. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn có chứa vi khuẩn, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với vật dụng, đồ vật nhiễm khuẩn. Thời gian lây truyền bệnh bạch hầu dao động trong khoảng 2 tuần, có thể ngắn hơn, ít khi kéo dài trên 4 tuần; có thể bắt đầu khi bệnh khởi phát hoặc cuối thời kỳ ủ bệnh.
Nước ta trong những năm gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác, hình thành những chùm dịch nhỏ ở một số tỉnh thành. Năm 2020 ghi nhận 200 ca mắc bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong do bệnh lý này tại các tỉnh thành Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, TP.HCM… Khoảng tháng 8/2023, tại các tỉnh khu vực miền bắc, bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp với hơn 20 ca nhiễm và 3 ca tử vong. Vừa qua, tháng 7/2024, một nữ sinh 18 tuổi đã tử vong sau 10 ngày phát bệnh bạch hầu; 119 người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao đang được theo dõi và cách ly do tiếp xúc với nạn nhân.
Chẩn đoán bệnh bạch hầu ở trẻ em
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời góp phần tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng do bệnh bạch hầu. Bên cạnh khám lâm sàng, một số cận lâm sàng có thể được chỉ định để xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh:
- Phương pháp soi kính hiển vi: Phương pháp này thường được thực hiện, được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và nhanh chóng. Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm từ khu vực nghi ngờ nhiễm khuẩn để làm tiêu bản nhuộm Gram hoặc nhuộm Albert. Khi nhuộm Gram, vi khuẩn bạch hầu bắt màu Gram (+), có hai đầu to. Vi khuẩn sẽ hiện màu xanh nếu nhuộm Albert.
- Phương pháp phân lập vi khuẩn: Vi khuẩn sẽ được nuôi cấy trong môi trường đặc hiệu. Mặc dù cho kết quả chính xác, nhưng thời gian chờ đợi kết quả lâu hơn so với phương pháp soi kính hiển vi; vì vậy phương pháp này ít được sử dụng hơn.
-
Điều trị bạch hầu ở trẻ em
Bệnh bạch hầu ở trẻ em sẽ được điều trị bằng thuốc, theo dõi và chăm sóc tích cực tại các cơ sở y tế. Việc điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ em nên được thực hiện tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối ưu nhất và giảm thiểu biến chứng.
Bác sĩ có thể kê một số thuốc để điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ em gồm thuốc kháng sinh và thuốc giải độc tố bạch hầu. Thuốc kháng sinh (penicillin, erythromycin…) có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ nhiễm trùng và giảm thời gian lây nhiễm bệnh. Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp có thể được chỉ định nhằm hỗ trợ cơ thể chống lại độc tố của bạch hầu. Trẻ có thể cần hỗ trợ hô hấp (như đặt ống thở, mở khí quản) cho đến khi tình trạng viêm đường thở thuyên giảm. (1)
Bệnh bạch hầu ở trẻ em hiện đã có phương pháp điều trị nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan như tim, thận và hệ thần kinh trong giai đoạn tiến triển. Đáng chú ý, ngay cả khi trẻ đang được điều trị, nguy cơ tử vong do bệnh bạch hầu vẫn cao, khoảng 3% trường hợp không qua khỏi, chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi.
Biến chứng ở trẻ bị bạch hầu
Bệnh bạch hầu ở trẻ em có diễn tiến nhanh, nguy cơ cao gây biến chứng, thậm chí tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách. Các biến chứng thường gặp gồm:
- Viêm cơ tim: Xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc có thể xuất hiện muộn hơn, sau vài tuần khi trẻ khỏi bệnh. Nếu biến chứng viêm cơ tim xuất hiện từ những ngày đầu phát bệnh, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Các biến chứng về tim mạch như viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim xảy ra ở khoảng 30% trường hợp mắc bệnh bạch hầu có diễn tiến nặng.
- Viêm dây thần kinh: Biến chứng này thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động, có thể hồi phục hoàn toàn nếu trẻ được chữa trị sớm, đúng cách. Khoảng 5% trường hợp mắc bệnh nặng gặp phải biến chứng này.
- Liệt màn khẩu cái (màn hầu): Thường xuất hiện vào tuần thứ 3 khi phát bệnh.
- Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ hoành, cơ chi: Thường xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh.
- Viêm kết mạc mắt: thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi.
- Viêm phổi, suy hô hấp do liệt cơ hoành, tắc nghẽn đường thở.
- Rối loạn chức năng bàng quang, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
- Tử vong.
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu ở trẻ em
Tiêm vắc xin và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em, nâng cao đề kháng cho trẻ là cách tốt nhất giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh này:
1. Tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em
Vắc xin là “vũ khí sinh học” tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ em. Tiêm chủng đủ mũi và tiêm nhắc lại theo thời gian khuyến cáo là cách phòng bệnh bạch hầu ở trẻ em hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2-3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh. Hiện nay, nước ta chưa có vắc xin phòng bạch hầu đơn; trẻ được tiêm vắc xin ngừa bệnh này bằng các loại vắc xin phối hợp có kháng nguyên bạch hầu. Tùy vào độ tuổi của đối tượng tiêm ngừa, bác sĩ sẽ chỉ định loại vắc xin và lịch tiêm phù hợp.
Các loại vắc xin kết hợp có thành phần bạch hầu hiện có tại Việt Nam, bao gồm:
- Vắc xin kết hợp 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa (phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB).
- Vắc xin kết hợp 5 trong 1 Pentaxim (trong tiêm chủng dịch vụ phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib) hoặc vắc xin trong chương trình TCMR ComBE Five (Phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B).
- Vắc xin kết hợp 4 trong 1 Tetraxim (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt).
- Vắc xin kết hợp 3 trong 1 Boostrix hoặc Adacel (phòng các bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván).
- Vắc xin Bạch hầu – Uốn ván hấp phụ Td (phòng 2 bệnh bạch hầu và uốn ván).
Lưu ý: Sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng 4 mũi vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 16-18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc 1 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn đã hoàn thành lịch tiêm cơ bản cần tiêm một mũi 3 trong 1 sau đó nhắc lại một mũi mỗi 10 năm.
2. Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh bạch hầu ở trẻ em
Bên cạnh tiêm vắc xin, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh bạch hầu ở trẻ em:
- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời nhằm bổ sung kháng thể và dinh dưỡng cho trẻ, để trẻ phát triển toàn diện.
- Giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa hàng ngày; thường xuyên súc miệng, vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý.
- Thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn không gian nhà ở, trường học, khu vui chơi, đảm bảo sự thông thoáng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên.
- Tập thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn.
- Che miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
Khi nào nên đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bạch hầu, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám cụ thể. Ngoài ra, trẻ cũng cần được đưa đến bệnh viện ngay khi biết có tiếp xúc với người nhiễm bạch hầu. Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra và có thể điều trị phòng ngừa cho trẻ bằng kháng sinh hoặc tiêm vắc xin bổ sung.
Sau khi được chữa khỏi bệnh bạch hầu ở trẻ em cần được thăm khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Một số biến chứng của bệnh bạch hầu có thể xảy ra sau khi trẻ được chữa khỏi bệnh, do đó cần theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có bất thường.